Trả lời:
Đột quỵ thường xuất hiện bất ngờ, hầu hết xảy ra do tổn thương mạch máu và sự phát triển của các mảng bám, cục máu đông làm tắc động mạch.
Xét nghiệm máu góp phần phát hiện nhiều vấn đề có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như rối loạn mỡ máu, mỡ máu cao, bệnh tiểu đường hay thông liên nhĩ gây tắc mạch máu não. Các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm nguy cơ tăng đông, xơ vữa mạch đa vị trí cũng giúp tầm soát, cảnh báo sớm đột quỵ.
Siêu âm động mạch cảnh hỗ trợ phát hiện sự tích tụ mảng bám chứa cholesterol trong động mạch cảnh ở cổ. Những động mạch này cung cấp máu cho não. Siêu âm này thường được chỉ định trong chương trình tầm soát đột quỵ ở người huyết áp cao, cholesterol cao, mắc bệnh tiểu đường, hay choáng váng, giảm trí nhớ hoặc có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua.
Kiểm tra siêu âm động mạch cảnh có thể được bác sĩ thực hiện khi nghe thấy âm thanh bất thường (gọi là tiếng thổi, BREW-ee) ở động mạch cảnh qua ống nghe. Tuy nhiên, siêu âm động mạch cảnh vùng cổ thường không cần thiết ở người khỏe mạnh. Rất ít trường hợp bị hẹp đáng kể các động mạch cảnh này và thường ít hơn 10% trường hợp đột quỵ lần đầu có liên quan đến hẹp động mạch cảnh cổ.
Đột quỵ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và xét nghiệm máu hay siêu âm góp phần phát hiện những yếu tố liên quan, không phải tất cả. Nếu bạn lo lắng và muốn tầm soát đột quỵ, cần kiểm tra toàn diện thì có nhiều chương trình tầm soát đột quỵ khác nhau, từ cơ bản đến chuyên sâu, tùy độ tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại.
Bên cạnh xét nghiệm và siêu âm, người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang, chụp CT, MRI... để tầm soát, phát hiện sớm nhiều bất thường khác có thể dẫn đến đột quỵ. Ví dụ, chụp CT, MRI giúp phát hiện các bất thường cụ thể ở não, các dị dạng, phình, hẹp mạch máu, cục máu đông...
Bạn đang bị mỡ máu cao cần lưu ý thay đổi lối sống, duy trì tập luyện thường xuyên, ăn uống khoa học, tránh hoặc giảm mỡ động vật, tăng cường rau củ quả. Tránh thừa cân béo phì, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia. Kiểm soát toàn diện các yếu tố rủi ro giúp ngăn ngừa đột quỵ lâu dài và hiệu quả.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |