Đột quỵ là bệnh thần kinh nguy hiểm, có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường xảy ra đột ngột, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến biến chứng nặng, tử vong.
BSCKII Đàm Thị Cẩm Linh, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, hiện chưa có cách ngăn chặn triệt để nhưng một số thay đổi lối sống, kiểm soát bệnh nền góp phần giảm đáng kể nguy cơ.
Giảm cân với người thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng khả năng mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch... Chúng đều là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Chỉ số cơ thể (BMI) lý tưởng ở mức 18,5-22,9.
Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng lượng mảng bám tích tụ trong động mạch, khiến máu đặc hơn. Tình trạng này thúc đẩy hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch dẫn tới đột quỵ. Người muốn cai thuốc lá nên được bác sĩ tư vấn và áp dụng các phương pháp hỗ trợ để tăng hiệu quả.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất dẫn tới đột quỵ. Bác sĩ Cẩm Linh cho biết tùy vào mức độ tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp hai, có thể gấp 4 lần so với người bình thường. Mức huyết áp lý tưởng đối với người khỏe mạnh là 120/80 mmHg. Người mắc huyết áp cao có chỉ số huyết áp vượt quá 140/90 mmHg nên đi khám bác sĩ để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Phòng bệnh tăng huyết áp bằng cách tập thói quen ăn nhạt, ít muối, giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày xuống dưới 1.500 mlg (tương đương một nửa thìa cà phê). Nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như ngũ tạng động vật, thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, lòng đỏ trứng, thịt nguội, chỉ ăn thịt đỏ hai đến ba lần mỗi tuần. Tăng cường ăn các loại trái cây, rau quả mỗi ngày.
Tầm soát và điều trị rung nhĩ: Đây là một dạng nhịp tim không đều, dễ dẫn đến hình thành cục máu đông trong tim. Theo dòng tuần hoàn máu, những cục máu đông có thể di chuyển lên tới não gây tắc mạch máu não, tăng nguy cơ đột quỵ.
Những triệu chứng rung tâm nhĩ bao gồm tim đập nhanh, khó thở, nặng ngực, tức ngực, hay đau ngực... Người bệnh cần điều trị sớm.
Phòng ngừa hoặc kiểm soát đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao thường làm tổn thương các mạch máu, dễ hình thành các cục máu đông. Để phòng ngừa đái tháo đường, nên hạn chế đồ uống có đường, ăn uống điều độ, đa dạng thực phẩm, ăn đúng giờ và tránh bỏ bữa, bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ.
Người mắc bệnh tiểu đường cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết. Áp dụng chế độ ăn kiêng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Uống rượu chừng mực: Người trưởng thành có thể uống một ly nhỏ rượu nhẹ mỗi ngày. Nguy cơ đột quỵ tăng tỷ lệ thuận với lượng rượu và nồng độ cồn trong loại rượu tiêu thụ.
Tăng cường vận động: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có tác dụng tốt với sức khỏe, phòng ngừa đột quỵ cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác. Vận động giúp đốt cháy năng lượng dư thừa, ngăn ngừa béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim... Tập thể dục hỗ trợ điều hòa nhịp tim, tăng cường lưu thông máu, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ... góp phần phòng ngừa đột quỵ.
Mỗi người có thể chọn hình thức vận động phù hợp sở thích, điều kiện sức khỏe như đi bộ, bơi lội, chơi cầu lông... Đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy, chia nhỏ thời gian để vận động trong ngày thành nhiều khoảng ngắn 5-10 phút cũng giúp ích.
Các dấu hiệu thường gặp của đột quỵ bao gồm méo lệch mặt hoặc miệng, khó nói, tê yếu hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể, đau đầu bất thường, giảm thị lực, bước đi không vững... Bác sĩ Cẩm Linh khuyến cáo người bệnh cần đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ kịp thời, càng sớm càng tốt.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |