Khi vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Thơm đau bụng dữ dội suốt 4 tiếng. Ngày 15/10, TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ảnh chụp CT ghi nhận ống mật chủ của bệnh nhân tổn thương không điển hình, uống thuốc giảm đau liều mạnh không cải thiện nên nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography - ERCP) cấp cứu.
Quá trình nội soi, bác sĩ ghi nhận sán di chuyển trong đường mật, kích thước khoảng 10 mm, dùng vợt gắp ra. Xét nghiệm cho thấy có rất nhiều trứng sán lá gan lớn trong dịch mật bệnh nhân.
Sán lá gan lớn có hai giai đoạn cấp tính và tiến triển. Hầu hết người bệnh được phát hiện ở giai đoạn cấp tính, tức sán di chuyển từ ruột vào gan gây tổn thương nhu mô gan, áp xe gan. Ở giai đoạn tiến triển, sán lá gan di chuyển và sinh sản trong đường mật. "Trường hợp này trong gần 30 năm hành nghề tôi mới chỉ gặp hai ca", bác sĩ Khanh nói.
Chị Thơm được bác sĩ chỉ định dùng thuốc tẩy sán và ấu trùng sán, tránh biến chứng đường tiêu hóa như viêm đường mật, nguy cơ ung thư đường mật sau này. Sau một ngày điều trị, người bệnh hết đau, ăn uống bình thường.
Sán lá gan có hai loại. Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ thường do ăn gỏi cá (cá chưa nấu chín) nước ngọt. Nguồn lây nhiễm sán lá gan lớn chủ yếu từ rau thủy sinh chưa nấu chín có chứa ấu trùng sán lá gan lớn như rau cần, rau ngổ, ngó sen, cải xoong, rau răm. Nhóm nguy cơ mắc bệnh gồm phụ nữ, người trên 60 tuổi, thường xuyên tiếp xúc với động vật, ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, uống nước có chứa ấu trùng sán.
Trứng sán lá gan lớn từ phân động vật ăn cỏ thải ra môi trường, phát triển thành ấu trùng lông, lớn lên thành ấu trùng đuôi bám vào các loại rau dưới nước hoặc bơi tự do trong nước. Người ăn các loại rau này hoặc uống nước chưa nấu chín, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ruột, phúc mạc và bao gan, phát triển và di chuyển đến đường mật. Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo mọi người nên ăn chín, uống nước đun sôi, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng bệnh.
Triệu chứng sán lá gan thường là đau bụng vùng hạ sườn phải, thượng vị (trên rốn), buồn nôn, mệt, tiêu chảy, sốt, vàng da, chán ăn, ngứa ngoài da, sút cân. Khi nghi ngờ sán lá gan, bác sĩ chỉ định siêu âm gan, xét nghiệm kháng thể sán lá gan lớn trong huyết thanh, soi tươi tìm trứng sán trong phân (ít khi tìm thấy).
Bệnh không được phát hiện và điều trị triệt để có thể gây áp xe gan, viêm đường mật, ứ mật, dày thành đường mật, nặng hơn có thể dẫn đến ung thư đường mật.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |