Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Một số loại dùng cùng nhau có thể tương tác và gây ra tác dụng phụ. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc.
Uống không đủ nước
Uống không đủ nước có thể khiến thuốc (nhất là thuốc viên) lưu lại trong thực quản, giải phóng các hóa chất kích ứng niêm mạc thực quản, khả năng cao gây loét, chảy máu, thủng và thu hẹp thực quản. Người có nguy cơ gặp các chấn thương này cao hơn nếu mắc các bệnh liên quan đến thực quản như hẹp thực quản, xơ cứng bì, achalasia (hoạt động cơ không đều của thực quản)...
Dấu hiệu cảnh báo thuốc bị mắc ở thực quản, bao gồm đau khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng, cảm giác viên thuốc bị mắc kẹt trong cổ họng, đau nhức âm ỉ ở ngực hoặc vai sau khi dùng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo để ngăn ngừa kích ứng dạ dày khi uống thuốc, người bệnh nên uống viên bao (dạng thuốc ở dạng viên nén được bao thêm một lớp màng thích hợp), uống nhiều nước và uống nước trước khi uống thuốc, uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, không nằm ngay sau khi uống thuốc, tránh dùng đồ có cồn...
Uống cùng lúc nhiều loại thuốc
Người bệnh cần uống thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Uống nhiều loại thuốc cùng lúc có thể ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh và cơ ở đại tràng, dẫn đến phân di chuyển chậm, khó khăn, dễ gây táo bón. Một số loại thuốc dễ dẫn đến táo bón như thuốc hạ huyết áp, sắt, thuốc kháng axit, thuốc giảm đau...
Trường hợp phải dùng uống nhiều loại thuốc, người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc trình tự uống từng loại.
Dùng thuốc không theo chỉ định
Tùy vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, dị ứng thuốc, bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với từng người bệnh. Dùng thuốc không theo chỉ định tăng nguy cơ trào ngược dạ dày do cơ thắt thực quản dưới cho phép thức ăn đi vào dạ dày sau khi nuốt. Một số loại thuốc cản trở hoạt động của cơ vòng, làm tăng khả năng trào ngược các chất có tính axit cao trong dạ dày vào thực quản.
Người bệnh bị trào ngược thực quản do thuốc thường có dấu hiệu ợ nóng, khó tiêu, cảm giác thức ăn trào ngược vào cổ họng...
Theo bác sĩ Khanh, dùng thuốc không theo chỉ định dễ làm tổn thương gan. Khi thuốc đi vào máu, gan chuyển hóa thuốc thành các hóa chất mà cơ thể sử dụng và loại bỏ các hóa chất độc hại. Trong quá trình này, hóa chất có thể tấn công và làm tổn thương gan.
Tổn thương gan do thuốc có thể giống với các triệu chứng của bất kỳ bệnh gan cấp tính hoặc mạn tính nào. Để chẩn đoán tổn thương gan do thuốc, bác sĩ yêu cầu người bệnh ngừng dùng loại thuốc bị nghi ngờ đồng thời chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán.
Các loại thuốc có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng như một số loại thuốc giảm đau, thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống lao..
Người bị tổn thương gan do thuốc thường có dấu hiệu mệt mỏi trầm trọng, đau bụng, vàng da, sốt, buồn nôn, nôn mửa... Người từng mắc bệnh gan hoặc sỏi mật nên có chỉ định hoặc ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, tránh ảnh hưởng đến gan hoặc túi mật, dùng thuốc với liều lượng được kê đơn hoặc khuyến nghị.
Lạm dụng kháng sinh
Nhiều người thường tự mua kháng sinh để uống. Thuốc kháng sinh làm thay đổi vi khuẩn có trong đường ruột, tạo điều kiện chi vi khuẩn clostridium difficile phát triển quá mức. Vi khuẩn này có thể gây viêm đại tràng dẫn đến phân lỏng, tiêu chảy.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh khi uống kháng sinh nên tránh thực phẩm gây kích ứng dạ dày. Người dễ bị tiêu chảy khi uống kháng sinh, khuyến khích ăn thực phẩm chứa nhiều trực khuẩn lactobacillus như sữa chua hoặc phô mai để bổ sung lượng vi khuẩn bình thường có trong ruột già.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |