Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sử dụng điều hòa giúp làm mát cơ thể, tránh nguy cơ mắc bệnh khi nắng nóng. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ sau khi nằm ngủ trong phòng điều hòa có biểu hiện ho, đau họng, sổ mũi, sốt... khiến nhiều người lầm tưởng môi trường này không phù hợp cho trẻ. Thực tế, sử dụng điều hòa sai cách mới góp phần tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây bệnh.
Bác sĩ Tuấn chỉ ra những sai lầm thường gặp của nhiều người dưới đây.
Cài đặt nhiệt độ không phù hợp
Trong ngày nóng, nhiều gia đình có xu hướng bật điều hòa ở mức nhiệt thấp, chênh lệch nhiều so với nhiệt độ ngoài trời. Bác sĩ Tuấn cho biết khi hít phải không khí khô, lạnh trong phòng điều hòa, các xoang tĩnh mạch dưới lớp niêm mạc dễ phù nề, gây nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi. Các động mạch trên da co lại để giữ nhiệt, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan, hạn chế khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ môi trường của các tế bào bạch cầu.
Niêm mạc mũi họng bị khô cũng làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên dễ nhiễm bệnh. Một số người sợ trẻ bị lạnh nên giữ nhiệt độ ở mức cao, khiến bé bị nóng, chảy nhiều mồ hôi ngay cả khi nằm trong phòng điều hòa. Nếu không được lau khô, trẻ dễ nhiễm lạnh.
Trẻ có mức độ trao đổi chất mạnh, nhiệt lượng sinh ra nhiều hơn, khiến cơ thể luôn có thân nhiệt cao hơn người trưởng thành. "Không nên lấy ngưỡng cảm nhận nhiệt độ của người lớn để làm tiêu chuẩn cài đặt nhiệt độ phòng cho trẻ", bác sĩ Tuấn nói, thêm rằng không có con số cụ thể để nhiệt độ phòng bao nhiêu phù hợp với trẻ. Do cấu tạo căn phòng, số lượng người dùng, loại điều hòa mỗi gia đình sử dụng khác nhau. Cùng một diện tích nhưng thể tích khí trong phòng lớn hơn cần sử dụng điều hòa có công suất lớn hơn. Phòng ít người, ít đồ đạc hơn cần loại công suất nhỏ hơn.
Bác sĩ Tuấn khuyên phụ huynh nên đặt nhiệt độ khoảng 28 độ C rồi theo dõi con. Nếu thấy bé vẫn nóng, ra mồ hôi, khó ngủ, sau 10 phút lại giảm xuống một độ C. Khi bé ngủ ngoan nghĩa là mức nhiệt đó phù hợp. Tuy nhiên, tránh đặt nhiệt độ chênh lệch quá 7 độ so với ngoài trời đề phòng nguy cơ sốc nhiệt.
Để tăng cảm giác mát mà không cần đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp, phụ huynh nên sử dụng kèm quạt, trang bị thêm nhiệt kế trong phòng để kiểm soát mức nhiệt phù hợp.
Không cấp ẩm cho phòng điều hòa
Để làm mát không khí, máy điều hòa hút hơi ẩm ra khỏi phòng, làm giảm độ ẩm, khiến cơ thể dễ bị mất nước, gây khô da và niêm mạc mũi họng. Theo bác sĩ Tuấn, gia đình nên duy trì độ ẩm trong phòng ở khoảng 40-60%. Mức ẩm này có thể giảm thiểu khả năng tồn tại và lây truyền của một số loại virus, nấm mốc, tối đa hóa chức năng miễn dịch của con người, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Phụ huynh nên dùng thêm máy tạo độ ẩm chuyên dụng. Tránh đặt chậu nước trong phòng do có thể thu hút bụi bẩn, vi trùng gây bệnh. Nên sử dụng nước khử khoáng hoặc nước cất để tạo ẩm do nước lọc thông thường chứa nhiều chất khoáng, dễ lắng đọng thành các hạt bụi trắng gây hại hô hấp nếu hít phải.
Khuyến khích trẻ uống thêm nước lọc, nước trái cây hoặc nước khoáng ở nhiệt độ phòng để tránh mất nước, giúp máu lưu thông tốt. Tránh uống nước đá lạnh do có thể gây khó tiêu, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, viêm vùng họng.
Đóng kín cửa phòng liên tục
Điều hòa không làm mát không khí nóng từ bên ngoài mà tuần hoàn hút khí trong phòng để làm mát. Nhiều gia đình có thói quen dùng điều hòa cả ngày lẫn đêm, đóng kín cửa phòng để hạn chế mất nhiệt, tiết kiệm điện. Không khí không được trao đổi, làm giảm đáng kể lượng oxy, tăng nồng độ khí CO2, chất ô nhiễm, các tác nhân truyền bệnh hô hấp. Ngồi lâu trong phòng khiến cơ thể dễ mệt mỏi, khó thở do thiếu khí, giảm khả năng chịu nhiệt.
Phụ huynh nên mở cửa phòng 1-2 tiếng vào sáng sớm hoặc chiều tối, bật quạt để lưu thông khí. Tốt nhất nên lắp đặt hệ thống thông gió để cấp khí tươi cho phòng. Tránh để trẻ ngồi cả ngày trong phòng điều hòa. Khuyến khích con ra ngoài đi dạo, vận động thể thao vào thời điểm nền nhiệt giảm trong ngày để tăng trao đổi khí, giải tỏa căng thẳng, đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Lưu ý tắt điều hòa hoặc tăng nhiệt độ phòng khoảng 20-30 phút trước khi cho trẻ ra ngoài. Hướng dẫn bé đứng trước cửa vài phút để cơ thể quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài. Tránh để bé chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bên ngoài liên tục để đề phòng nguy cơ sốc nhiệt.
Không vệ sinh máy thường xuyên
Bác sĩ Tuấn cho biết điều hòa có thể làm giảm chất lượng không khí trong nhà nếu không được vệ sinh thường xuyên, đúng cách. Do quá trình lọc và làm mát không khí khiến hơi ẩm, nước, bụi bẩn, lông động vật... tích tụ trong hệ thống màng lọc, ống dẫn nước thải. Nếu không được vệ sinh, môi trường này có thể là nơi trú ẩn cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển. Phụ huynh nên vệ sinh điều hòa định kỳ 3-6 tháng một lần. Máy tạo ẩm cũng cần được thay bộ lọc khí định kỳ, thay nước, rửa sạch cặn lắng trong khay chứa nước và các bộ phận khác ba ngày mỗi lần.
Vào phòng ngay sau khi tắm hoặc vừa đi ngoài nắng về
Thói quen này khiến trẻ dễ bị lạnh đột ngột, có thể dẫn tới cảm lạnh, viêm phổi, sốc nhiệt. Phụ huynh nên lau khô nước, mồ hôi trên người trẻ. Để bé ngồi ở nhiệt độ phòng hoặc sử dụng quạt gió khoảng 10 phút trước khi vào phòng điều hòa. Bật nhiệt độ ở nhiệt độ cao khi mới vào phòng rồi hạ dần để cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.
Để hướng gió thổi trực tiếp vào trẻ
Gió điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu, mũi dễ khiến trẻ bị ngạt mũi, khô mũi họng, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Gia đình nên lắp đặt điều hòa ở vị trí cao, cách xa giường của trẻ, cánh cửa gió điều hòa không hướng trực tiếp về phía người nằm. Điều chỉnh quạt gió ở mức thấp, đảo chiều liên tục. Trẻ nên mặc quần áo có chất liệu thấm mồ hôi tốt, có thể đắp chăn mỏng che kín vùng bụng khi ngủ.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |