Thời gian gần đây, có nhiều bài viết phản ánh về chất lượng du lịch ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Từ chuyện các thủ tục xuất, nhập cảnh rườm rà, tốn thời gian; tình trạng quá tải ở các sân bay quốc tế; cho đến sự nhếch nhác, thiếu quy hoạch ở các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có những ý khiến phản biện cho rằng "không thể bắt những Sa Pa, Đà Lạt phải mãi cũ kỹ, nghèo nàn như ngày xưa" và "chuyện xây dựng, phát triển các thành phố du lịch là xu thế tất yếu, không thể chê trách".
Theo tôi, chuyện đường xá sạch sẽ, vệ sinh công cộng, công trình trùng tu đầy đủ, người bán hàng thân thiện... là những tiêu chuẩn rất căn cơ, cơ bản chứ chưa phải thứ gì cao sang đối với du lịch cả. Tôi công nhận là không phải chỗ nào cũng toàn mặt xấu, nhưng vấn đề là chúng ta phải đánh giá một cách công tâm xem mặt tốt chiếm bao nhiêu phần trăm? Còn nếu ai đó bảo du khách phải tự đi tìm những chỗ mới lạ, hoang sơ để khám phá những điều tích cực, thì chẳng khác nào bạn nói với họ rằng: "Chỗ này chúng tôi 'phá' hết rồi, mời bạn đi 'khám' những chỗ khác".
Đừng thấy con số du khách tăng trưởng hàng năm mà vội mừng, bởi ở ta hầu như chỉ có khách nội địa là tăng thôi, trong khi khách quốc tế bao năm qua vẫn lẹt đẹt. Người Việt dù gì cũng quen với cảnh nhếch nhác đó nên chúng ta không bị ảnh hưởng bởi ấn tượng xấu. Nhưng người nước ngoài thì khác, họ rất dễ bị tác động bởi ấn tượng ban đầu của một đất nước, một điểm du lịch mới. Nếu chung ta để những thứ tiêu cực đạp ngay vào mắt họ trong lần đầu gặp gỡ, hệ lụy sau đó sẽ là rất lớn.
Nhìn một chút sang các nước bạn trong khu vực, mặc dù họ cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, suy thoái kinh tế, nhưng Thái Lan vẫn đón 10 triệu lượt khách quóc tế, con số ở Malaysia là 9,2 triệu. Điều đó có nghĩa là lượng du khách quốc tế của họ luôn ổn định ở mức gấp đôi mục tiêu của chúng ta. Trong khi đó, đù đặt chỉ tiêu thấp, nhưng chúng ta cũng chỉ đạt 70% mức đề ra. Đó rõ ràng là một nốt trầm của ngành du lịch Việt Nam.
>> 'Combo mệt mỏi' khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất
Nếu xét về tài nguyên du lịch, tôi dám tự tin nói rằng chúng ta chẳng hề thua kém hai nước bạn, thậm chí Việt Nam còn được thiên nhiên ưu ái hơn nhiều với núi non hùng vũ cùng đường bờ biển dài. Vậy tại sao chúng ta cứ mãi lẹt đẹt trong việc thu hút khách quốc tế so với các nước láng giềng? Những điều mà tác giả Xuan Hoa Nguyen liệt kê trong bài viết "Từ háo hức thành khó chịu sau hơn 20 năm quay lại Sa Pa" chính là những ví dụ điển hình cho thấy những mặt yếu kém trong cách làm du lịch ở nước ta. Chẳng lẽ người Việt mãi chỉ muốn lấy tiền từ khách nội địa?
Có một thực tế là nhiều điểm du lịch ở ta xây dựng không có quy hoạch, dẫn đến phá nát cảnh quan vốn có. Đó là lý do nhiều người lên tiếng muốn trả mọi thứ về vẻ nguyên sơ như ban đầu. Cứ đòi phải xây dựng, phát triển cho kịp xu thế, nhưng Sa Pa có đẹp hơn không hay chỉ toàn khói bụi, bùn lầy; Đà Lạt có thơ mộng hơn không hay chỉ càng thêm ngập lụt và sương mù cũng chẳng còn? Tôi cho rằng, nếu đã không làm được điều gì tốt đẹp hơn thì tốt nhất cũng đừng làm nó tệ đi.
Không lẽ khách du lịch bảo muốn chặn thác, phá rừng, xây resort thì chúng ta cũng làm theo? Cái quan trọng là chúng ta thiếu tầm nhìn cũng như ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch nên mới không xác định được giới hạn trong việc khai thác và luôn luôn chiều theo ý du khách như vậy. Phát triển mà ảnh hưởng xấu đến môi trường có phải là phát triển bền vững không?
Tôi không phản đối chuyện đổi mới, nhưng quan trọng là làm thế nào để không đánh mất đi cái hồn cốt của du lịch mỗi vùng miền? Hãy nhìn cao nguyên Genting bên Malaysia, họ xây hẳn cả khu phức hợp giải trí những đâu có phá vỡ cảnh quan. Hay như Thụy Sỹ cũng là một đất nước phát triển loại hình nghỉ dưỡng, nhưng tại sao họ không cần chặt cây, đốn rừng để xây resort mà du khách vẫn nườm nượp kéo đến?
Ở đây, chưa nói gì đến nhu cầu của du khách, mà bản thân những người hoạch định phải biết địa phương mình có cái gì và có phương án bảo tồn song song với việc phát triển. Không thể cứ nhắm mắt chiều ý du khách mà phá nát những gì mình đang có được.
Câu chuyện này lại liên quan đến một vấn đề khác, đó là tính toán sức chứa khách du lịch. Đây cũng là một trong những bước quan trọng nhất của quy hoạch du lịch. Đâu phải cứ khách đến bao nhiêu thì cũng nhận rồi tìm cách tàn phá thiên nhiên để xây thêm khách sạn, resort phục vụ hết nhu cầu. Người làm du lịch biết đâu là giới hạn cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của địa phương mình. Chính vì phải gánh lượng khách du lịch vượt ngưỡng giới hạn nên môi trường, khí hậu của Đà Lạt, Sa Pa và nhiều nơi khác mới bị ảnh hưởng nặng nề như bây giờ. Đó là hậu quả của phát triển du lịch thiếu định hướng.
Ở Sa Pa, Đà Lạt, hầu như miễn có tiền, còn cứ thấy chỗ nào trống xây chỗ đõ, không cần quan tâm đụng chạm gì đến quy hoạch du lịch chung. Chính việc xây dựng một cách tràn lan theo kiểu điền vào chỗ trống như vậy mới dẫn đến những hậu quá đáng tiếc. Chính quyền các địa phương này hoàn toàn có thể quy hoạch các khách sạn, resort ra khỏi vùng lõi du lịch, nhưng rõ ràng là họ đã không làm thế.
Đà Lạt, Sa Pa đừng nhìn đâu xa mà hãy noi gương ngay chính cách làm du lịch của Hội An. Những người "sống ảo" rất thích lồng đèn treo đầy thuyền, nhưng chính quyền Hội An vẫn yêu cầu các các nhà thuyền chỉ được treo hai đèn lồng ở đầu và cuối thuyền để tránh ảnh hưởng đến không gian chung của phố cổ. Đó mới là phát triển bền vững chứ không phải cái gì khách thích là cũng cứ đâm đầu chiều theo, bất chập hậu quả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.