Câu chuyện về Sa Pa, Đà Lạt thời gian gần đây lại nóng lên với sự xuất hiện của hàng loạt khu du lịch tự phát gây tranh cãi. Đó là trào lưu chụp ảnh phong cách Tây Tạng tại bản Cát Cát (Sa Pa), hay mới đây nhất là khu du lịch Vườn Thượng Uyển Bay lai tạo phong cách Nhật Bản, Indonesia tại Đà Lạt. Đọc các ý kiến bình luận của độc giả VnExpress, tôi nhận thấy hai luồng quan điểm đối lập. Một bên kịch liệt phản đối những khu du lịch tự phát, bắt chước phong cách nước ngoài như thế này; bên còn lại có cái nhìn thoáng hơn khi cho rằng đây không thể bám mãi vào quá khứ để làm du lịch, mà phải biết tức thời, bắt trend, chớp cơ hội để thu hút du khách.
Thực ra, tôi cho rằng, ý kiến của bên nào cũng có những lý lẽ riêng của nó. Quan điểm về thẩm mỹ, cái đẹp, nhu cầu du lịch của mỗi người lại khác nhau, nên cũng rất khó để tìm ra phương án làm hài lòng tất cả. Tuy nhiên, tôi xin phép đưa ra một vài ý kiến xung quanh câu chuyện này, dựa trên tinh thần góp ý xây dựng, để người làm du lịch Việt Nam có được một đường hướng phát triển bài bản, bền vững.
Đà Lạt hay Sa Pa bây giờ đã khác xưa rất nhiều, đã là những thành phố lớn, năng động, phát triển, chứ không còn chỉ là một nơi nghỉ dưỡng thuần tự nhiên như mấy chục năm trước. Khi xã hội phát triển, chúng ta cũng không thể cứ giữ mãi tư duy bảo thủ, bắt những nơi đây phải nghèo nàn, lạc hậu mãi. Bạn không thể đòi hỏi một Đà Lạt nguyên sơ, chỉ có rừng thông và suối thác khi mà dân số ngày càng đông, khác du lịch đến ngày càng nhiều. Bạn cũng không thể bắt Sa Pa vẫn cứ phải chìm trong sương mù với những căn nhà mái lá lụp xụp.
>> Mười năm nữa ai còn muốn đến Sa Pa, Đà Lạt?
Nhiều người nói họ yêu Đà Lạt, Sa Pa của ngày xưa, khi chưa bị "mất chất" như bây giờ. Tôi nghĩ họ yêu cảm nhận của bản thân nhiều hơn là mong muốn những mảnh đất du lịch này phát triển. Nhìn dưới một góc độ tích cực, nhìn những dòng người nối dài đổ về nơi đây mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần, tôi vẫn thấy mừng khi các địa điểm này vẫn chưa bao giờ hết "hot". Nếu nói Đà Lạt, Sa Pa "mất chất", vậy sao người ta vẫn chen chân tới du lịch?
Nhiều người không thích cách người dân nơi đây tạo những điểm check-in nhân tạo phục vụ khách trẻ tới chụp hình tự sướng. Bản thân tôi cũng không thích kiểu đăng ảnh sống ảo đó. Tuy nhiên, không thể vì thế mà tôi kết luận những ai vào đó sống ảo đều không có gu thẩm mỹ, hay xem thường sở thích của họ. Đó là cái nhìn có phần phiến diện. Đẹp hay xấu, hợp thời hay lai căng, hiện đại hay hổ lốn... tất cả đều là do cách nhìn chủ quan của từng người. Có thể bạn thấy nó không đẹp, nhưng lại có người khác thích và hài lòng thì sao?
Xét cho cùng, một điểm du lịch mà qua hàng chục năm vẫn y như cũ, chẳng có gì mới mẻ, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ cây, cỏ, hoa, lá... thì tôi tin người ta sẽ không còn mấy hứng thú mà muốn quay lại. Du lịch Đà Lạt không thể mãi mãi là rừng thông, ao hồ, sông suối hay khí trời mãi được. Với Sa Pa cũng thế. Điều kiện thiên nhiên và cảnh quan ưu đãi là điều kiện cần, nhưng nó chưa đủ để phát triển du lịch lâu dài. Du khách cần nhiều hơn thế ở những nơi này, và vì thế địa phương cũng cần phát triển các dịch vụ hiện đại đi kèm, để một mặt không khiến du khách nhàm chán, mặt khác có thế khiến họ chịu tiêu tiền, tạo thêm nguồn thu để đầu tư, phát triển.
Tuy vậy, thực hiện mục tiêu đó thế nào lại là cả một câu chuyện dài và vô cùng phức tạp. Tôi hoan nghênh và ủng hộ tinh thần dám đổi mới của người làm du lịch Đà Lạt, Sa Pa, tuy nhiên lại thất vọng với cách người ta quản lý và phát triển du lịch thiếu định hướng và đồng bộ. Điều đó khiến những cái mới cứ tùy hứng, hỗn loạn, để rồi khi nhìn lại toàn bộ tổng thể, tất cả chỉ là một "nồi lẩu thập cẩm", thiếu điểm nhấn và đặc trưng. Đó là sai lầm lớn nhất của du lịch Việt nói chung.
>> Du lịch ăn xổi ở Sa Pa, Đà Lạt
Hơn 20 năm trước, tôi lần đầu đến với Sa Pa, Đà Lạt, rất ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên nên thơ, bầu không khí trong trẻo, không lẫn vào đâu được của núi rừng nơi đây. Nhưng cũng phải thừa nhận, mọi thứ lúc bấy giờ rất thiếu thốn, đi lại khó khăn, sinh hoạt bất tiện, du khách còn thưa thớt vì hình ảnh địa phương chưa được quảng bá rộng rãi. Tôi từng ước rằng người làm du lịch có thể đầu tư, từng bước phát triển dựa trên những tiềm năng rất lớn mà thiên nhiên ban tặng này.
Giờ đây, quay trở lại, Sa Pa và Đà Lạt đã "lột xác" hoàn toàn, tiếng tăm đã vang xa, người trong nước và cả nước ngoài đến lũ lượt, đời sống người dân cải thiện đáng kể. Tôi mừng cho sự thay da đổi thịt ấy, nhưng lại có chút buồn khi sự phát triển không đi liền với việc bảo tồn những giá trị vốn có của mảnh đất nơi đây. Những khối bê tông mất kiểm soát, những khi du lịch tự phát tạp nham, thiếu hệ thống... là những vết gợn trong lòng những người còn lưu giữ nét xưa của Đà Lạt, Sa Pa. Chúng ta đã vô tình "hòa tan" những đặc trưng văn hóa trong dòng chảy hòa nhập với thế giới hiện đại.
Đà Lạt hay Sa Pa, từ lâu đã được gọi là những thành phố du lịch nổi tiếng, nhưng quy hoạch du lịch theo hướng nào thì có lẽ giờ cũng không ai rõ. Sự đô thị hóa quá nhanh khiến thành phố mất đi vẻ hoang sơ, cái giản dị vốn có, mà thay vào đó lại là các hàng quán hiện đại, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được xây dựng sau khi phá núi, phá rừng. Tất cả là hệ quả của một chuỗi những sai lầm trong quy hoạch và định hướng phát triển du lịch địa phương.
Hãy nhìn phố cổ Hội An với hàng trăm căn nhà cổ chung một kiểu thiết kế, cũ kỹ và có phần lạc hậu. Rõ ràng, khi đem so sánh chúng với những công trình hiện đại, bắt đúng trend như ở Sa Pa, Đà Lạt, nơi đây không thể sánh bằng, cũng không quá nhiều người đến đây để sống ảo. Nhưng nói về tầm nhìn xa hơn, khi quảng bá du lịch Hội An, đó lại chính là những điểm nhấn để thu hút du khách nước ngoài – thứ làm nên sức sống cho du lịch Việt. Trong khi đó, bạn không thể quảng cáo rằng Đà Lạt có điểm sống ảo này, Sa Pa có chỗ check-in kia. Ai sẽ đến Việt Nam chỉ vì những thứ nhân tạo, bắt chước ấy?
>> 'Sa Pa nhạt nhòa khi du lịch phong cách Tây Tạng'
Mỗi địa điểm luôn có một đặc trưng riêng. Người ta đến Nha Trang, Phú Quốc để tắm biển; đến Đà Lạt để trải nghiệm những đồi thông thơ mộng, không khí se lạnh và vẻ hoang sơ, lãng mạn, nên thơ; ghé Sa Pa để chìm đắm trong màn sương mờ với cái lạnh đặc trưng của miền núi Tây Bắc. Thế nhưng, giờ đây chúng ta còn lại gì? Những công trình sống ảo này có thể đẹp trong mắt nhiều người, có thể hút khách trẻ, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân bản địa, nhưng nó không đóng góp được gì cho việc quảng bá du lịch địa phương nói riêng và du lịch Việt nói chung.
Quy hoạch du lịch không phải chuyện dễ dàng. Nhưng đó là công việc quan trọng nhất để quyết định điểm du lịch đó sẽ phát triển lâu dài hay theo kiểu ăn xổi? Nếu cứ chỉ chạy theo trào lưu, làm du lịch kiểu mỳ ăn liền, chộp giật, khai thác sở thích sống ảo là chính, mà quên đi những giá trị cốt lõi của tự nhiên, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc của chính mình. Xin hãy xây dựng làm sao để Đà Lạt, Sa Pa ngày càng đẹp hơn theo một phong cách đặc trưng vốn có của nó, chứ không phải "sớm nở tối tàn" vì những thứ ngoại lai nhất thời.
Chúng ta không thể đổ cho kinh tế phát triển khiến nhu cầu của người dân cũng phải đi lên, buộc người làm du lịch phải chạy theo đáp ứng được. Vấn đề nằm ở chỗ tầm nhìn phát triển thế nào, năng lực quản lý đến đâu? Tại sao cứ phải làm theo phong cách của nước này nước nọ trong khi không làm gì đó để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa mang bản sắc riêng của nước mình?
Không ai bắt Đà Lạt, Sa Pa phải cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng phát triển thế nào để đảm bảo hài hòa về tổng thế, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được thiên nhiên và giá trị truyền thống, đó mới là vấn đề. Xây vài khu du lịch tự phát, nhái theo nước này, nước kia làm điểm check-in sống ảo không khó. Nhưng những thứ thuộc về trào lưu thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Và rồi, khi trào lưu qua đi, chúng ta sẽ còn lại gì ngoài một mớ hổ lốn, nham nhở?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.