Theo dự thảo báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, Tổng cục Du lịch dự kiến đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa trong năm tới, dự tính tổng thu từ du lịch với những mục tiêu trên mang lại khoảng 650.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong khi đó, năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,5 triệu lượt, bằng khoảng 70% so với kế hoạch 5 triệu. Tổng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng 68,8% so với kế hoạch, cao hơn trước dịch (85 triệu lượt). Có thể thấy, du lịch nội địa vẫn là "cứu cánh" cho sự phục hồi và tăng trưởng của toàn ngành. Còn thu hút du khách quốc tế vẫn luôn là một mục tiêu khó hoàn thành với du lịch Việt.
Câu hỏi là tại sao Việt Nam với rất nhiều danh lam thắng cảnh, được thiên nhiên ưu đãi, ẩm thực phong phú, nhưng lại không thể trở thành điểm đến lý tưởng với du khách quốc tế? Xin lấy dẫn chứng từ chính trải nghiệm của tôi để trả lời cho câu hỏi này.
Tôi là người miền Nam, đi du lịch Sa Pa lần đầu vào năm 2000. Đó cũng là chuyến đi trăng mật của vợ chồng tôi. Ấn tượng ngày ấy của tôi về Sa Pa là một mảnh đất khá đẹp, lãng mạn và hoang sơ. Những hình ảnh đó cứu lưu giữ mãi trong tiềm thức, khiến tôi khao khát một ngày nào đó được quay trở lại vùng đất này.
Và rồi, cách đây hai tuần, tôi có một chuyến công tác ra Hà Nội. Sẵn dịp có sếp nước ngoài qua công tác chung, nên tôi có ngỏ ý rủ cô ấy đi Sa Pa chơi hai ngày. Khỏi phải nói tôi háo hức và tự tin thế nào khi dẫn vị khách nước ngoài của mình đi du lịch vì vẫn luôn nghĩ rằng vẻ đẹp của Sa Pa có thể chinh phục mọi trái tim khó tính nhất.
Thế nhưng, tất cả những gì đọng lại trong tôi sau hai ngày trải nghiệm Sa Pa lần thứ hai gói gọn trong hai từ "thất vọng". Giờ đây, mọi thứ dịch vụ ở Sa Pa, du khách đều phải trả tiền để trải nghiệm, trong khi giá vé vào cổng thì ở mức trên trời. Nhưng bỏ tiền ra để đổi lại những gì?
>> Tôi muốn rời đi ngay khi vừa đến Việt Nam du lịch
Đó là cảnh quan nhếch nhác, đường xá đầy rác và bùn lầy, dường như nơi đây không cải tạo, tu dưỡng; cây cỏ, hoa lá rất ít, đèn đường cũng chẳng được trang bị đầy đủ (ngay trong thị trấn Sa Pa) kết hợp với thời tiết lạnh lẽo, sương mù dày đặc khiến ai cũng có cảm giác bất an khi đi bộ. Sếp của tôi từng nói một câu rằng: "Cô còn sợ vậy huống hồ là tôi".
Một điểm gây rất nhiều phiền toái nữa cho khách du lịch đó là tình trạng người bán hàng đeo bám, không chịu dời, đến khi bạn phải mua hàng của họ thì mới thôi. Nhóm tôi có ba người mà bị tới bốn người đeo bám để bán hàng. Ngay cả khi chúng tôi dừng lại hỏi đường một bé gái bán hàng thì sau đó cũng bị đeo bám, phải cho tiền hay mua hàng thì bé mới chịu buông tha...
Nói thật, sau chuyến đi này, tất cả những ký ức đẹp của tôi về Sa Pa đều đã tan biến, thay vào đó là nỗi thất vọng, khó chịu và cả sự xấu hổ với vị khách nước ngoài kia. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quay lại Sa Pa thêm một lần nào nữa nếu nơi đây không có những thay đổi toàn diện.
Mấy năm trước, tôi cũng có dịp đi thăm Chùa Hương. Sau khi ngồi đò, người lái lái ngang nhiên đòi tiền tip một cách trắng trợn. Tất nhiên, nếu dịch vụ tốt, tôi cũng chẳng ngần ngại móc hầu bao bồi dưỡng cho họ. Nhưng thực tế là tôi đi đò với dòng chảy sâu 6 mét mà không hề có lấy một cái áo phao nào. Vậy mà họ còn đòi thêm tiền phục vụ, khiến tôi nản thật sự.
Bản thân tôi là người Việt mà còn không chấp nhận nổi cách làm du lịch trong nước, vậy nên cũng chẳng có gì khó hiểu khi khách du lịch nước ngoài họ không quay lại Việt Nam lần thứ hai.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.