Hành lý của khách trong chuyến bay nằm la liệt trên sàn nhà do băng chuyền của sân bay Tân Sơn Nhất quá bé. Nhiều người phải khuân từng kiện hành lý nặng bỏ vào máy soi lần nữa. Có người phải bước qua từng chiếc vali trên sàn nhà để tìm hành lý và khệ nệ bê chúng qua máy soi... Tôi rất đồng cảm với những chia sẻ đó của tác giả Võ Nhật Vinh trong bài viết "Một đi không trở lại".
Bản thân tôi cũng từng có một khoảng thời gian thường xuyên phải đi đi về về giữa TP HCM và Singapore. Là một người Việt và đã quá hiểu đất nước mình, ấy vậy mà tôi vẫn không khỏi cảm thấy ngao ngán với khâu làm thủ tục xuất nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thú thực, nếu một lần trải nghiệm dịch vụ ở đây, đến cả khách Việt cũng không vui nổi chứ đừng nói đến các du khách nước ngoài đến Việt Nam với tiêu chí du lịch.
Để nói rõ hơn cho các bạn hiểu, tôi xin liệt kê các "combo thủ tục" mà tôi phải hứng chịu từ chiều Singapore về TP HCM:
Với thủ tục nhập cảnh, trước mắt tôi là một rừng người, mỗi hàng phải chờ tới hơn chục khách, mỗi khách làm thủ tục ít nhất cũng từ 2 đến 5 phút. Như vậy, riêng khoản chờ đợi đến lượt mình đã ngốn của tôi đâu đó hơn nửa tiếng đồng hồ. Đến phiên mình làm thủ tục, tôi lúc nào cũng phải chờ lâu nhất vì có vẻ tên tôi hơi phổ thông và hệ thống phải load dữ liệu rất lâu. Tôi có liếc nhìn cái máy tính ở quầy làm thủ tục nhập cảnh, thấy có vẻ cũng là đời cũ và không hiện đại lắm, nên chuyện chờ đợi lâu cũng là điều dễ hiểu.
Chưa hết mệt mỏi để làm xong thủ tục nhập cảnh, tôi lại tiếp tục phải đối mặt với một cơn ác mộng nữa mang tên "nhận hành lý". Cũng giống như chia sẻ của tác giả Võ Nhật Vinh, tôi phải vất vả lắm mới chờ lấy được hành lý của mình. Cái này có lẽ không còn quá xa lại với những ai từng đi máy bay ở Việt Nam (cả nội địa lẫn quốc tế). Nói chung, ai cũng phải chờ đợi, muốn nhanh cũng chẳng được, các bạn có thể tự trải nghiệm để hiểu hơn.
>> Thu phí làm thủ tục nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất có bất công?
Ra khỏi sân bay, tôi cũng chưa được thở phào vì vẫn phải vật vã bắt taxi để di chuyển vào thành phố. Sẽ đen đủi cho những ai có nhiều vali, hành lý lỉnh kỉnh bởi các tài xế luôn hét giá gấp đôi cho hành khách. Thực trạng này khiến tôi thấy rất thất vọng với dịch vụ taxi ở sân bay. Tôi đi nhiều nên quá rành về giá tiền cho quãng đường rồi nên có kinh nghiệm để làm rắn, tránh bị "chặt chém" một cách vô lý. Nhưng thử hỏi những khách du lịch lần đầu đến Việt Nam, họ sẽ nghĩ như thế nào khi bị "làm tiền" ngay khi vừa đặt chân tới đất nước này?
Biết taxi sân bay hay vòi tiền nên tôi thường đi bộ qua sảnh nội địa để bắt xe công nghệ. Nếu chỉ mang theo balo nhỏ gọn, tôi gọi xe ôm công nghệ cho tiết kiệm. Thế nhưng, đôi khi các tài xế không được vào tận sảnh đón nên tôi phải đi bộ ra ngoài đường lớn để bắt xe. Nhưng đoạn đường từ sân bay ra tới ngoài chỗ đèn giao thông cũng không hề yên bình khi hàng loạt xe ôm trá hình liên tục mời gọi, trèo kéo, lẽo đẽo theo sau, bất kể tôi có từ chối thế nào đi nữa.
Lên được xe, tạm nghỉ ngơi được một chút, tôi lại phải đối diện với một thứ "đặc sản" khác của Sài Gòn, đó là nạn tắc đường. Nói chung, mỗi khi về được tới nhà là tôi gần như bị vắt kiệt sức lực.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, khi đi từ TP HCM đến Singapore, tất cả những gì tôi phải làm khi đặt chân tới nước bạn là khai báo vào tờ khai nhập cảnh Singapore (SG Arrival Card) và đi qua một cách rất nhanh gọn. Mọi thứ dịch vụ sau đó cũng rất thuận tiện và nhẹ nhàng, khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, thư giãn.
Và như một lẽ thường, bất cứ ai đi du lịch với tiêu chí vui vẻ và xả hơi, đều không ai muốn phải mệt mỏi. Nhưng cứ nhìn khách du lịch tới Việt Nam mà xem, mở đầu hành trình của họ đã là hàng loạt thứ rắc rối, phiền toái như vậy, thì làm sao còn giữ được tâm trạng tích cực nữa. Như thế thì thử hỏi người ta làm sao muốn quay lại được?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.