Đọc bài viết "Du lịch đeo bám, vòi tiền", tôi tin là hầu hết những người Việt có điều kiện đi du lịch đều từng ít nhất một lần mang tâm trạng bực dọc, muốn "một đi không trở lại" khi đến một nơi nào đó trong nước. Nguyên nhân của cảm xúc này, theo tôi có mấy điểm sau:
Thứ nhất, chúng ta thiếu sản phẩm du lịch có tính gắn kết khách hàng theo kiểu "kiếm tiền chính đáng". Mặc dù nước ta có nhiều thắng cảnh rất đẹp, nhưng lại không đi kèm với những dịch vụ chất lượng. Chẳng hạn chuyến du lịch đến Hòn Lao - Đảo Khỉ (Nha Trang) của tôi cách đây không lâu. Suốt cả chuyến đi, gần như tôi không thấy có gì đặc trưng, hấp dẫn, ngoài việc ngắm và tiếp xúc với bầy khỉ. Làm du lịch thiếu điểm nhấn như vậy, làm sao có thể để lại ấn tượng tốt cho du khách, khiến họ muốn quay lại, hoặc ít nhất là chia sẻ với bạn bè, người thân về điểm đến.
Thứ hai, tình trạng chèo kéo, đeo bám, lợi dụng lòng tốt, sự thoải mái của du khách để thu lợi vẫn diễn ra khắp nơi. Vấn đề nhức nhối này tồn tại ở hầu khắp các điểm du lịch từ Nam ra Bắc. Chính bản thân tôi cũng từng nhiều lần tận mắt chứng kiến, thậm chí là nạn nhân rơi vào tình cảnh như vậy. Để rồi sau đó chỉ biết tặc lưỡi coi như tự tích lũy kinh nghiệm để sau này né tránh những địa điểm tương tự.
>> Trải nghiệm kinh hoàng trên những chiếc ca nô bịt kín
Ngoài ra, chặt chém, hét giá trên trời, thực sự là một căn bệnh trầm kha của du lịch Việt nói chung. Tôi nhớ rõ có lần, khi đang ngồi cùng với một người bạn, luyện nói ngoại ngữ ở Bưu điện TP HCM, tôi gặp một cô người nước ngoài, là khách du lịch, đã đứng tuổi. Cô đưa cho tôi một tờ giấy giống như hóa đơn bán lẻ của một cửa hàng ở trong chợ Bến Thành, hỏi tôi chi tiết tên món hàng ghi trong đó tiếng Pháp gọi là gì?
Qua ánh mắt, và cách trò chuyện, tôi thấy có vẻ như cô ấy nghi ngờ điều gì đó (có thể là không đúng món hàng cô ấy muốn mua, hoặc giá cả bất hợp lý). Nhìn sang cột giá tiền trong tờ hóa đơn, tôi giật mình, chỉ biết kêu trời. Khoảnh khắc đó, mình quyết định ngoài việc chỉ cho cô ấy tên gọi món hàng ghi trên giấy, mình còn phải chỉ cho họ nơi để mua những món tương tự với giá cả hợp lý hơn. Chỉ dẫn xong xuôi, trong lòng tôi vẫn cảm thấy buồn cho hình ảnh một ngôi chợ nổi tiếng nhất thành phố, có tuổi đời lâu năm, là điểm du lịch lớn của Sài Gòn.
Thứ ba, xu hướng "bắt trend" nở rộ khắp nơi nhưng lại không đến nơi đến chốn. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các điểm du lịch phục vụ những loại hình khám phá, trải nghiệm mới, hiện đại như Đà Lạt, Sa Pa, hay một số địa danh khác ở Tây Nguyên... Tuy nhiên, hoạt động du lịch này lại thiếu đầu tư chỉn chu, những thiết bị đi kèm an toàn, cũng như nhân viên đủ chuyên môn, kinh nghiệm. Tất cả dẫn đến một hình ảnh lai tạp, hỗn độn, rời rạc và thiếu bản sắc.
Cuối cùng, chính là tình trạng "sao chép dưới nhiều hình thức" ở mảng dịch vụ, buôn bán. Không khó để chúng ta nhận ra, ở đâu người ta cũng làm du lịch "na ná" nhau, nhất là với các món hàng lưu niệm. Chẳng hạn, những tượng bằng gỗ lưu niệm được bày bán, tôi nhìn thấy từ Cần Thơ, Phan Thiết, Đà Nẵng, đến tận Ninh Bình, giống nhau y hệt từ kiểu dáng, mẫu mã. Và tôi tin là hầu hết chúng ta đều biết rằng trong các món hàng lưu niệm bày bán ấy, một phần không nhỏ là hàng trôi nổi, hoặc sản xuất hàng loạt từ Trung Quốc. Người ta cứ đua nhau nhập về bày bán cho khách du lịch để kiếm tiền dù đôi khi chẳng liên quan gì đến ngành nghề nổi tiếng của địa phương.
Nói tóm lại, du lịch Việt vẫn tồn tại rất nhiều những vết hằn trong lòng du khách trong và ngoài nước. Chừng nào chúng còn chưa được chữa lành, du lịch nước nhà sẽ vẫn mãi là một cơ thể ốm yếu, gầy mòn, thiếu sức sống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.