Tôi đồng cảm với suy nghĩ của tác giả bài viết: "Sa Pa nhạt nhòa khi du lịch phong cách Tây Tạng". Tất nhiên, người làm du lịch có quyền làm những việc pháp luật không cấm, kể cả "ăn theo" các trào lưu ảo để thu được tiền, vì đó là cái du khách muốn. Không ai bắt họ cứ phải đáp ứng sự "hoài cổ" theo kiểu "đẳng cấp nguyên thủy" với giá tiền bình dân được.
Tuy nhiên, cái chúng ta cần quan tâm ở đây là hệ lụy của cách làm du lịch như vậy. Sa Pa đã lọt vào top 10 điểm đến gây thất vọng trong mắt du khách nước ngoài, Đà Lạt bị ô nhiễm môi trường nặng nề, Phan Thiết từ lâu đã nổi tiếng với biệt danh "thủ phủ resort", Phú Quốc cũng đang bị "xẻ thịt" bờ biển... Những sự thật ấy là cái giá phải trả cho việc phát triển du lịch một cách bừa bãi, chạy theo trào lưu, ăn xổi, thiếu định hướng lâu dài.
Khi nói đến khả năng khai thác du lịch của một quốc gia, người ta thường nhắc tới hai chỉ số, đó là số lượt du khách quốc tế và chi tiêu trung bình của du khách nước ngoài:
Nói về lượng du khách quốc tế: Việt Nam hiện đón 18 triệu lượt khách, thua từ gấp rưỡi đến gấp đôi một số nước có diện tích và điều kiện tự nhiên xã hội tương đồng trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan (39 triệu lượt khách) và Malaysia (26 triệu lượt).
So về chi tiêu trung bình của du khách: Con số ở Việt Nam là 657 USD, thậm chí còn thua cả các nước có lượt du khách quốc tế chỉ bằng một nửa ta, như Philippines (1.390 USD) và Campuchia (804 USD). Chỉ số này của chúng ta chỉ hơn được ba nước ở Đông Nam Á là Lào (điều kiện tự nhiên không phong phú), Myanmar (một quốc gia mở cửa chưa đầy 10 năm và chính trị bất ổn) và Đông Timo (quốc gia trẻ nhất khu vực). Và đương nhiên, chúng ta không có cửa cạnh tranh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore...
>> 'Sa Pa nhạt nhòa khi du lịch phong cách Tây Tạng'
Đưa ra những con số như vậy để chúng ta thấy được, dù người Việt khai thác du lịch một cách "hầm bà lằng" như vậy, nhưng nền du lịch của ta vẫn chỉ thuộc diện dưới trung bình trong bình diện khu vực. Chúng ta cứ tự hào rằng có thiên nhiên phong phú, cảnh đẹp như tranh vẽ, nhưng kết quả toàn bị các nước trong khu vực hút hết khách du lịch. Lý do ở đây là gì, có lẽ không nói người Việt cũng hiểu, chỉ có thể là cách khai thác du lịch sai lầm.
Nhìn những dòng du khách nườm nượp đến với Sa Pa, Đà Lạt... mỗi dịp lễ Tết, thấy họ đặt phòng khách sạn, ăn uống trong nhà hàng, checkin các công trình mới, chắc hẳn nhiều người sẽ hoan hỉ cho rằng "người ta đang mang tiền lên nuôi người dân bản địa đó thôi". Đúng, tôi đồng ý rằng đó cũng là một cách phát triển du lịch, cũng mang lại giá trị kinh tế tức thời nhờ việc đáp ứng các trào lưu đang nóng. Nhưng phát triển như thế có giá trị lâu dài hay sẽ là "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" thì sẽ còn là một chuyện đáng suy ngẫm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.