"Du lịch Việt Nam cần sản phẩm nhắc đến là nhớ", đó là quan điểm của nhiều chuyên gia trước phương án mở cửa du lịch quốc tế thời gian tới. Việt Nam có bốn lợi thế thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người, song vẫn loay hoay chọn sản phẩm mạnh nhất để phát triển, quảng bá. Chính điều này đặt ra thách thức cho ngành du lịch khi mở cửa trở lại từ 15/3, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về đi lại, kiểm soát dịch bệnh.
Chia sẻ thực tế trải nghiệm du lịch trong nước, độc giả Minh chỉ ra những bất cập: "Hai chị em tôi đang đi thuyền ngắm cảnh đẹp như tranh ở Tam Cốc, Ninh Bình, thì bác lái đò bắt đầu than vãn: 'Nhà em khổ lắm, con cái không việc làm, bệnh hoạn..., các chị cho em xin thêm ít tiền'. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì thậm chí còn bị dọa 'không chở về' với những từ ngữ không đẹp chút nào. Trong khi trước đó, bác không hề trả lời những thắc mắc cơ bản của du khách chúng tôi về địa hình, dân cư... nơi đây. Sau đó, dù cũng vào được bờ để về, nhưng thay vì tiếp tục chuyến đi, chúng tôi lấy vé về lại Sài Gòn vì không còn chút hứng thú nào để đi nữa.
Lần khác, chúng tôi và các bạn người Pháp bị đeo bám suốt hơn 2 km trên đường trekking ở Sa Pa. Chúng tôi vốn rất thoáng trong chuyện tiền nong, nhưng luôn muốn cho đi với nụ cười chứ không muốn bị 'trấn lột' như vậy. Nếu cần sản phẩm 'nhắc đến là nhớ', xin ngành du lịch hãy giải quyết những cái 'không đáng nhớ' này trước đã".
>> 'Sa Pa, Đà Lạt nham nhở vì du lịch mỳ ăn liền'
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoang Minh chỉ ra những mặt hạn chế cố hữu trong cách làm du lịch ở Việt Nam: "Rất nhiều thứ để nói về du lịch nước nhà:
Đầu tiên là thiếu điểm nhấn. Chúng ta gần như không có điểm nhấn nào để quảng bá du lịch - một thứ gì đó để người ta nghĩ ngay đến Việt Nam mỗi khi nhìn thấy. Ngoại trừ Hội An, Vịnh Hạ Long và cây cầu ở Đà Nẵng, tôi thật không nghĩ ra chúng ta có điểm nhấn gì đáng nhớ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn? Ví dụ ở Sydney Nhà hát con Sò, San Francisco có cầu Golden Gate, hay Singapore có tượng sư tử biển... Chúng ta đã tốn thật nhiều tiền để trang trí từ lễ hội này qua lễ hội khác, nhưng lại không có đầu tư được một điểm nhấn ở hai thành phố lớn.
Thứ hai là tình trạng 'chặt chém' khách du lịch còn diễn ra quá nhiều. Nên ngăn chặn và giải quyết triệt để hành vi này. Tôi cũng không thích một chuyện nữa là khách nước ngoài phải trả tiền với giá khác (cao hơn) với khách du lịch trong nước. Với tôi, đó là một sự kỳ thị. Đối với khách nước ngoài, thêm một chút tiền không đáng là bao nhiêu, nhưng khi biết có hai mức giá như vậy, họ sẽ cảm thấy khó chịu.
Thứ ba, tình trạng ăn xin và chéo kéo khách du lịch tràn lan. Đây cũng là một hình ảnh rất xấu cho du lịch Việt, cần phải được giải quyết ngay lập tức.
Thứ tư, chúng ta cần làm du lịch một cách có hệ thống, đồng bộ, giải thích cho người dân và các tổ chức cách làm du lịch thống nhất. Đừng như Sa Pa, đem đủ các biểu tượng của nước khác về để nhái theo và trưng bày. Như vậy chẳng khác nào tự tay ném bỏ đi cái thế mạnh của mình để chạy theo người ta".
>> Mười năm nữa ai còn muốn đến Sa Pa, Đà Lạt?
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hàng chục di sản được UNESCO công nhận, ngoài ra là hơn 40.000 thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích cấp quốc gia, 5.000 di tích cấp tỉnh. Trong năm 2019-2020, Việt Nam được vinh danh "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", bởi Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA). Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm du lịch từ lâu vẫn là một vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Vì thế, câu hỏi đặt ra là làm sao để Việt Nam tận dụng được những lợi thế sẵn có và phát triển du lịch bền vững?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.