Tôi rất đồng cảm với chia sẻ của tác giả Duy Khang trong bài viết "Du lịch 'một đi không trở lại'". Đặc biệt là về vấn đề quà lưu niệm du lịch, tôi cho rằng, không nên đan chéo, nhập hàng tràn lan giữa các địa phương. Tôi còn nhớ cảm giác ngày nhỏ đi du lịch Vũng Tàu, có mua mấy vật phẩm sơn mài hoặc sản phẩm trưng bày từ vỏ ốc có khắc chữ Vũng Tàu cùng với lời đề tặng. Thực sự lúc đó, tôi thấy những món đồ này rất đặc biệt và đặc trưng, bởi gần như chỉ có Vũng Tàu mới có, nhìn thấy là biết ngay điểm đến.
Sau này, khi lớn lên, tôi quay lại Vũng Tàu, nhưng buồn cười là có đầy rẫy những cửa hàng bán quà lưu niệm của địa phương khác cũng tập trung ở đây. Tôi nhớ nhất là những cửa hàng bán tranh cát, có đề sẵn tên địa phương khác như Mũi Né, Phan Thiết, Nha Trang... Nhìn những hình ảnh đó, tôi chỉ biết lắc đầu, bật cười ngao ngán. Tôi tự hỏi, nếu là du khách nước ngoài đến Vũng Tàu, không biết tiếng Việt, và mua nhầm một bức tranh đề tên địa phương khác thì họ sẽ cảm thấy thế nào sau khi về nước?
Đúng là trong xã hội hiện đại, sự giao thương hàng hóa là rất cần thiết, nhưng cái gì kinh doanh hàng loạt, đại trà quá cũng đi kèm với việc mất dần đi những giá trị riêng. Ví như bánh chưng ngày xưa tôi chỉ có thể ăn vào dịp Tết, nhưng bây giờ có thể đặt làm ăn quanh năm nên thấy bớt nhiều hứng thú. Các loại bánh đặc sản của nhiều địa phương nếu ngày xưa phải chờ đi du lịch, tới tận nơi mới mua được hoặc được người khác mua về làm quà nên thấy rất quý, nhưng ngày nay, chỉ cần ở thành phố bạn có thể mua không thiếu thứ gì. Vậy họ còn cần gì đến địa phương để thưởng thức nữa khi ngồi ở nhà cũng đã ăn được, mua được?
Nên đối với du lịch cũng vậy, nếu có 10 điểm đặc biệt của địa phương thì chỉ nên hòa tan, thương mại hóa hàng loạt năm điểm thôi, còn lại nên giữ lại, làm dấu ấn riêng, khiến du khách buộc phải đến địa phương đó mới có thể trải nghiệm. Điều đó tạo nên bản sắc của du lịch mỗi vùng miền. Tất nhiên, nói thì vậy, nhưng cuộc sống ai kinh doanh chẳng ham đồng tiền, có lợi nhuận nhanh thì càng muốn tối đa hóa. Nên đây vẫn là một vấn đề thật nan giải.
Từ 15/3, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Truyền thông quốc tế đã có nhiều phân tích về vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói này. Tạp chí du lịch hàng đầu của Anh, Wanderlust, đánh giá Việt Nam là một trong 20 điểm đến tuyệt vời nhất cho tháng 3. Trong khi đó, tạp chí du lịch nổi tiếng Canada, The Travel, nhấn mạnh: "Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với cơ sở hạ tầng tốt, rất lý tưởng cho dân du mục kỹ thuật số, xứng đáng lọt top 10 điểm đến lý tưởng thế giới cho người thích xê dịch".
Báo Stuttgarter Nachrichten của Đức lại chỉ rõ: "Năm lý do khiến Việt Nam xứng đáng được ghé thăm là ẩm thực, bãi biển nắng ấm, đồng bằng sông Cửu Long, trải nghiệm đi dạo trong các thành phố và thiên nhiên tươi đẹp. Từ ruộng bậc thang đến cồn cát, Việt Nam có tất cả".
Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam còn nhận định: "Việt Nam là một điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn, không chỉ bởi lòng hiếu khách mà chất lượng dịch vụ, món ăn ngon và cảnh quan đẹp. Việt Nam phải được phát triển hơn nữa và thực hiện bước tiếp theo để trở thành một địa điểm du lịch bền vững".
Rõ ràng, sự đánh giá cao của giới chuyên gia và bạn bè quốc tế là một tín hiệu đáng mừng đối với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, kỳ vọng cao cũng sẽ đi kèm với sức ép phải cải thiện chất lượng dịch vụ sao cho xứng tầm. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với những người làm du lịch nước nhà trong một hoàn cảnh rất đặc biệt hậu Covid.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.