Theo thống kê trong 10 tháng đầu năm, lượng du khách quốc tế vào Việt Nam sụt giảm mạnh, kém xa mục tiêu trước đó, trong khi hầu hết các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu năm đã đề ra. Ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam cũng luôn thuộc top những nước có tỷ lệ khách du lịch quay lại thấp. Vậy đâu là lý do khiến khách quốc tế không quay lại Việt Nam du lịch?
Độc giả Mèo kể về trải nghiệm không mấy vui vẻ khi du lịch trong nước: "Đi du lịch nội địa, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ bị chém giá. Bữa đó, tôi đi du lịch một xã vùng cao, độ gần Tết hoa đào nở rộ, rồi săn mây các kiểu, cực kỳ "chill". Buổi sáng, tôi ăn bát phở đầy ắp thịt bò, chuẩn vị bản địa, ra tính tiền có chỉ có 30.000 đồng, lại thêm chị chủ quán rất dễ thương. Tôi thầm vui ở đây vẫn còn nét tự nhiên thôn bản, người dân chất phác, thật thà.
Ấy vậy mà đến tối, tôi vào quán cơm, tự tin không thèm kiểm tra giá trước, nào ngờ bị 'chặt chém' bát cơm với ít thịt kho, thêm bát canh từ nước luộc bắp cải với giá 150.000 đồng. Rồi còn hôm trước đó, có ông anh trên xe biết tôi tới đây du lịch nên giới thiệu nhà trên đó có cho thuê xe máy. Đến khi tôi gọi điện thì được báo giá thuê xe máy với giá 500.000 đồng một ngày, xăng tự đổ. Nhiều khi đi du lịch thật vui mà cũng thật buồn".
So sánh với đất nước láng giềng là Thái Lan, bạn đọc Ty Lê chia sẻ: "Tôi đi Thái Lan mấy lần rồi và vẫn sẽ sang đó chơi tiếp khi có thời gian. Vì sao tôi đi Thái hoài? Vì cảnh quan thời tiết ở đó cũng gần gũi với Việt Nam, nhưng chất lượng dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, môi trường vệ sinh, rất ít khi bị chèo kéo lừa lọc. Bản thân tôi là người Việt mà khi du lịch trong nước còn bị chặt chém thì nói gì khách nước ngoài.
Tôi đi taxi trong nước không bị hét giá thì cũng bị cưỡng ép boa hết tiền thừa. Có một lần tôi đi taxi hết 420.000 đồng, tôi đưa 500.000 đồng và nói tài xế trả lại 30.000 đồng (tức tôi sẽ tip cho anh ta 50.000 đồng sau khi trừ cước). Tôi định lấy lại 30.000 đồng để lát nữa tip cho nhân viên mở cửa ở khách sạn. Thế mà tài xế kỳ kèo, nhất quyết không trả lại một đồng nào, thậm chí còn quăng hành lý của tôi xuống rồi vọt đi luôn".
Nói về lý do khiến du lịch Việt không gây được thiện cảm với du khách trong và ngoài nước, độc giả 4th cho rằng: "Chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, khi du lịch, bạn bước xuống sân bay Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí Campuchia, là thấy khác biệt khi về đến sân bay ở Việt Nam. Tại Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, đi đâu cũng thấy cảnh bát nháo, mời gọi, lôi kéo, giành giật...
Chưa kể, cách làm du lịch trong nước cũng không chuyên nghiệp, người dân không giao tiếp được bằng tiếng Anh, khách cứ hở ra là bị lừa, bị chặt chém. Đừng bao giờ hỏi khách quốc tế nghĩ gì về Việt, họ sẽ trả lời theo kiểu lịch sự để cho bạn vui lòng thôi, chứ thật ra họ nghĩ khác. Đa số du khách chỉ đến Việt Nam du lịch một lần cho biết, dù phong cảnh ở ta rất đẹp".
Đồng quan điểm, bạn đọc Trv khẳng định tình trạng chặt chém, chèo kéo, mất bản sắc là những lý do chính khiến du lịch Việt mất khách: "Làm du lịch mà đâu đâu cũng chộp giật, chèo kéo, mất lịch sự, thì du khách không có lý do gì để quay lại. Muốn nghỉ dưỡng mà ồn ào khắp mọi nơi, ý thức người dân lại quá kém, mọi thứ đều tùy tiện. Rất mong chấn chỉnh lại vì một Việt Nam văn minh thực sự.
Điểm quan trọng nhất là bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên nhưng từ Sa Pa đến Phú Quốc, nhưng nơi cần hoang sơ lại tràn lan các công trình xây dựng. Cách đây mấy năm, tôi đến Lý Sơn, thấy còn hoang sơ, mà đến nay không biết đã khai thác xây dựng chưa, vì thấy nó đang rất đẹp, nhưng chỉ được vài bữa lại khai thác bừa bãi. Tôi luôn mang tâm trạng bất an cho khách du lịch khi biết chắc là sau khi đến Việt Nam, họ sẽ thất vọng hơn là thoải mái".
"Khách du lịch không quay lại vì cách làm du lịch ở ta chộp giật, giá cả bát nháo, đi kèm chất lượng kém. Đến mùa du lịch, nghỉ lễ, mặc định giá vé tàu xe, máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống vui chơi đều tăng 100%, trong khi cùng quãng đường di chuyển, cùng loại hình và chất lượng phục vụ kém, thậm chí còn tệ hơn ngày thường. Muốn phát triển du lịch bền vững, trở thành điểm đến quen thuộc của du khách, các bộ ngành cần chấn chỉnh và& ban hành luật, nghị định, nghiêm cấm tăng giá dịp nghỉ lễ, Tết; giá cả phải được niêm yết và phải được chính quyền giám sát. Không thể để tình trạng du lịch loạn giá, chặt chém như hiện nay", độc giả Linh Nguyễn Văn nói thêm.
>> 'Cà phê đường tàu không phải nét độc đáo du lịch Hà Nội'
Đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch Việt, độc giả Ffer BK nhận định: "Nếu chia du lịch ra thành ba mảng là thiên nhiên, di tích và phố thị hiện đại, thì cả ba cái chúng ta đều làm chưa tới nơi tới chốn. Thiên nhiên có cảnh đẹp hùng vĩ, bãi biển đẹp cũng nhiều, nhưng hạ tầng giao thông công cộng để đến được những chỗ đó rất khó. Đến nơi cũng không có những công trình cho du khách hòa mình với thiên nhiên một cách an toàn như đường mòn trekking, khách sạn nghỉ dưỡng trong núi. Di tích còn thiếu kinh phí tôn tạo và không sáng tạo cách thu hút khách. Còn đô thị thì ngay cả hai thành phố lớn là Hà Nội Và TP HCM, hạ tầng vẫn còn rất tệ".
Làm gì để cải thiện chất lượng của du lịch Việt, bạn đọc Xuân Hà : "Tôi đã được đi vài nơi trên thế giới, thú thật là ở xứ người cái gì cũng đắt. Nếu đi nước ngoài mà cứ so sánh với giá cả bên mình thì không ai dám ăn, dám tiêu gì cả, nhất là đối với khách du lịch mà túi tiền không mấy rủng rỉnh. Tôi nhận thấy giá cả hàng hóa ở Việt Nam đều rẻ so với thu nhập của dân ngoại quốc. Cứ thử nhẩm tính mà xem, ở đâu mà bạn có thể chỉ tốn chưa tới 5 USD (tương đương 120.000 đồng) mà đã có được một bữa cơm no đủ? Cho nên giá cả không phải là vấn đề chính.
Khách du lịch không quay lại Việt Nam phần lớn là vì sản phẩm du lịch nói chung của chúng ta quá nghèo nàn, chúng ta không biết cách khai thác tiềm năng khí hậu, cảnh quan... cho nên ngay cả với khách nội địa cũng chỉ đi một lần cho biết, nói gì đến khách ngoại. Tôi ví dụ như cách làm lễ hội hoa ở Đà Lạt, lần nào cũng chỉ biết đem hoa chậu ra xếp thành hình này, hình kia, đem mấy tiểu cảnh ở Tây Nguyên với nhà lá, cồng chiêng, đồ thổ cẩm ra bày rồi hết. Thử hỏi ai trong chúng ta muốn quay lại để nhìn những cảnh đó năm này qua năm khác?
Ngoài ra, chuyện du lịch chặt chém cũng là cái vòng luẩn quẩn ở ta. Ế khách nên người làm dịch vụ đua nhau chặt chém, nhưng chặt chém quá đà nên lại càng thêm ế khách. Rốt cuộc du lịch Việt vẫn mãi lẹt đẹt, chẳng thể bứt phá. Nên nhớ, nếu du lịch đáng xem, đáng nghe, đáng lui tới, thì tôi tin khách du lịch sẽ không ngại chi nhiều tiền. Đó mới là lối thoát cho ngành du lịch ở nước ta".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.