Anh Trí được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sau hơn 4 giờ khởi phát triệu chứng. Thời điểm nhập viện, huyết áp anh cao 170/110 mmHg, trong khi mức bình thường 120/80 mmHg. Kết quả chụp MRI 3 Tesla cho thấy anh Trí bị đột quỵ xuất huyết não tại vùng thái dương phải, thể tích khối máu tụ khoảng 30 ml, chèn ép làm tổn thương mô não lành và các bó sợi thần kinh lân cận.
Ngày 26/12, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết khối máu tụ càng nằm lâu trong não bệnh nhân thì mức độ chèn ép, tổn thương cấu trúc não lành càng tăng lên. Quá trình phân hủy tự nhiên, máu tụ sinh ra các hóa chất trung gian gây ra phản ứng viêm, khiến các tế bào não lân cận bị tổn thương ngày càng nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần được phẫu thuật sớm, tránh nguy cơ liệt nửa người bên trái, mất khả năng nói, tử vong. Các bác sĩ quyết định dùng robot AI mổ não Modus V Synaptive, tận dụng hiệu quả "giờ vàng" (6-8 giờ đầu đối với mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não) để cứu sống và bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh.
![Khối máu tụ trong não anh Trí trên hình chụp CT 1975 lát cắt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/12/26/hi-nh-1-1-1735189853-1521-1735189937.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LjiD8yqa6c5I54zrG0JL6A)
Khối máu tụ trong não anh Trí trên hình chụp MRI 3 Tesla. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
"Thay vì mổ theo phương pháp truyền thống phải gây mê toàn thân, bệnh nhân được mổ não thức tỉnh, tức vẫn tỉnh táo trò chuyện với bác sĩ khi cần trong lúc mổ", bác sĩ Tấn Sĩ giải thích, nhờ đó bác sĩ trực tiếp kiểm tra, đánh giá chức năng thần kinh của người bệnh ngay trong lúc thao tác vào vùng não tương ứng, đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh. Ví dụ, khi mổ vào vùng não chịu chức năng vận động, bác sĩ yêu cầu người bệnh cử động tay chân. Mổ đến vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ, bác sĩ trò chuyện cùng người bệnh.
Trước cuộc mổ chính, êkíp mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng của robot AI, chọn vị trí mở hộp sọ, đường mổ tiếp cận khối máu tụ theo rãnh vỏ não vùng trán bên phải, đi song song nên không cắt vào các bó dẫn truyền thần kinh. Khi cuộc mổ bắt đầu, với hỗ trợ của máy siêu âm chuyên dụng, êkíp gây tê phong tỏa từng nhánh thần kinh chi phối vùng đầu của người bệnh. Liều lượng thuốc tê được tính toán chặt chẽ, phù hợp với thể trạng và bệnh nền kèm theo.
![Êkíp mổ loại bỏ khối máu tụ trong não anh Trí bằng robot AI. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/12/26/hi-nh-2-1735189817-1735189824-7313-1735189937.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gbFhhpN8SLxvGet8_pCP6g)
Êkíp mổ loại bỏ khối máu tụ trong não anh Trí bằng robot AI. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ sử dụng hệ thống cánh tay robot gắn kính vi phẫu có khả năng tự động di chuyển. Hình ảnh 3D tự động lấy nét hỗ trợ bác sĩ tiếp cận vùng não tổn thương từ đa chiều. Hệ thống robot liên tục phát tín hiệu cảnh báo đỏ, vàng, xanh như đèn giao thông, cảnh báo thao tác sai lệch so với kế hoạch mổ, từ đó bác sĩ kịp thời điều chỉnh.
Khi kíp mổ tiếp cận được khối máu tụ, êkíp gây tê điều chỉnh giảm thuốc an thần, chỉ gây tê cục bộ tại phẫu trường để bệnh nhân không cảm giác đau nhưng vẫn tỉnh táo và tri giác tốt. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể tương tác, cử động tay chân, nói chuyện khi bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ từng bước bóc tách khối máu tụ trong não người bệnh, lấy hết khối máu tụ ra khỏi mô não, dùng keo cầm máu ngăn tình trạng tái xuất huyết.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, ca mổ não thức tỉnh cho anh Trí được tiến hành trong 40 phút, rút ngắn khoảng một giờ so với phương pháp mổ truyền thống. Hậu phẫu, người bệnh tỉnh táo, vết mổ khô và sạch, không nằm phòng hồi sức, tránh được biến chứng có thể gặp của đặt nội khí quản khi mổ gây mê toàn thân hoặc tác dụng phụ của thuốc gây mê, hạn chế nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng.
![Bác sĩ kiểm tra vết mổ và quá trình phục hồi sức khỏe của anh Trí. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/12/26/hi-nh-3-1735189798-9004-1735189937.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mO-hUeI3LrW1Tynmy2N1AQ)
Bác sĩ kiểm tra vết mổ và quá trình phục hồi sức khỏe của anh Trí. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Anh Trí được tập phục hồi chức năng ngay sau đó (sau 24 giờ khởi phát triệu chứng đột quỵ). Các bài tập được xây dựng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Đồng thời, bác sĩ theo dõi sát các chỉ số sinh hiệu và phòng ngừa nguy cơ tái xuất huyết não. Sau ba ngày mổ não, anh Trí có thể đi đứng, vận động nhẹ, nói chuyện lưu loát. Sau khi tầm soát và điều trị ổn định bệnh nền và các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ, anh có thể xuất viện.
Kỹ thuật mổ não thức tỉnh lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam là năm 2019 với các thiết bị mổ truyền thống. Còn robot AI được Bộ Y tế cấp phép ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từ năm 2023, đến nay đã mổ thành công hơn 100 ca u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não.
Trường Giang
* Tên người bệnh đã thay đổi
Từ 19/12 đến 26/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tuần tư vấn trực tuyến "Mổ não và tủy sống bằng robot AI" trên báo VnExpress. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm từ Trung tâm Khoa học Thần kinh thuộc hệ thống bệnh viện sẽ trực tiếp tư vấn cho người bệnh. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |