Gân chóp xoay vai gồm 4 gân cơ là gân trên gai, gân dưới vai, gân dưới gai và cơ tròn bé. Các gân này bám và phủ kín đầu trên xương cánh tay, phối hợp nhịp nhàng với nhau để thực hiện các động tác dang tay, xoay vai, đưa tay quá đầu...
Rách gân chóp xoay là tình trạng rách, đứt một hoặc nhiều cơ của khớp vai. Ngày 30/5, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết ngoài những người sử dụng khớp vai nhiều như làm việc nặng, chơi cầu lông, rướn tay dọn dẹp trên cao..., bệnh cũng thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa. Theo thời gian, các sợi gân cơ chóp xoay ở vùng vai dần bị mài mòn, dẫn đến rách một phần hoặc đứt hoàn toàn.
Ba tháng qua, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận khoảng 40 trường hợp viêm, rách gân chóp xoay vai, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là người cao tuổi. Bác sĩ Ân cho rằng nguyên nhân có thể do hiện nay người cao tuổi có xu hướng sống một mình, sinh hoạt độc lập và vận động nhiều hơn nên dễ dẫn đến chấn thương, tổn thương do thoái hóa. Ban đầu vết rách chưa đủ lớn, ít biểu hiện, đau thoáng qua, hiếm khi gây yếu khớp nên nhiều người chủ quan, chỉ đi khám khi đã đau vai nhiều.
Theo bác sĩ Ân, rách gân chóp xoay vai là "mối đe dọa âm thầm đối với người cao tuổi". Trong quá trình lao động và sinh hoạt, vết rách ngày càng lớn, phần gân rách thoái hóa, xơ cứng dần, mất đi độ đàn hồi vốn có, gân co rút sâu và cơ chóp xoay teo lại. Lúc này bác sĩ khó đưa gân rách về vị trí ban đầu và người bệnh cần tập luyện phục hồi cơ lực sau mổ. Khi khâu lại, nguy cơ tái rách rất cao, có thể lên đến 70%. Nếu rách quá lớn, gây mất vận động khớp vai, có thể dẫn đến thoái hoá khớp vai và buộc phải thay khớp.
Như ông Tư, 63 tuổi, bị rách gân chóp xoay vai nhiều năm, không đi khám, tiếp tục làm việc nặng. Vết rách gân ngày càng to, chất lượng gân suy giảm nghiêm trọng, teo cơ và thoái hóa mỡ độ 3 (độ 4 là nặng nhất).
Trường hợp khác là bà Hoa, 56 tuổi, bị đau và yếu khớp vai, nghĩ do nhức mỏi xương khớp thông thường, không đi khám. Khi không thể nhấc tay lên được, người bệnh mới đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị rách gân chóp xoay vai, phải phẫu thuật để khôi phục hồi chức năng khớp vai.
Bác sĩ Ân cho biết phương pháp điều trị tổn thương gân chóp xoay tùy vào mức độ nặng của bệnh, bao gồm thuốc và tập vật lý trị liệu, khâu gân bằng nội soi hoặc mổ hở, thay khớp vai nếu thoái hóa. Trong đó, phẫu thuật nội soi khâu gân là phương pháp phổ biến nhất, đem lại kết quả chức năng tốt nhất khi gân lành.
Tuy nhiên, cả ông Tư và bà Hoa đều bị rách gân chóp xoay thời gian dài, không được điều trị kịp thời, nếu chỉ nội soi khâu gân thông thường, nguy cơ tái rách rất cao. Bác sĩ sử dụng kỹ thuật khâu gân hai hàng kèm ghép mảnh ghép bì đồng loại. "Đây là phương pháp điều trị mới, được ứng dụng tại Việt Nam một năm trở lại", bác sĩ Ân nói.
Bác sĩ dùng mảnh ghép bì đồng loại làm mảnh vá, đắp lên hai đầu gân rách; sau đó thực hiện kỹ thuật mũi khâu hai hàng để ghép lại gân chóp xoay. Mảnh ghép bì đồng loại có độ đàn hồi cao, giúp giảm áp lực cho gân, tăng độ vững chắc của mũi khâu chóp xoay. Trong cơ chế tự chữa lành của cơ thể, mảnh ghép đóng vai trò như một bộ khung để các tế bào mọc vào và gân hóa, nhờ đó giảm nguy cơ tái đứt. Người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm, phục hồi nhanh hơn và giảm tỷ lệ cứng khớp sau mổ, tránh nguy cơ phải phẫu thuật thay khớp vai do bệnh thoái hóa khớp vai thứ phát.
Bác sĩ Ân khuyến cáo người có dấu hiệu cảnh báo rách gân chóp xoay như đau, giảm tầm vận động khớp vai; hoặc những bất thường khác ở khớp vai nên đi khám sớm. Người bệnh cao tuổi điều trị trễ dễ phát sinh nhiều biến chứng do thường có sẵn bệnh nền.
Phi Hồng