Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến cho vợ chồng không thể mang thai tự nhiên. Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp từng thụ tinh nhân tạo thất bại, lớn tuổi, vợ có nhiều bệnh lý như suy buồng trứng, tắc hai vòi trứng, chồng không có tinh trùng, người có bệnh di truyền, hiếm muộn không rõ nguyên nhân...
Trước khi bắt đầu, bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng trứng, tinh trùng, các vấn đề ở hệ sinh sản. Quy trình IVF gồm 5 bước, có thể lặp lại nhiều lần, tùy thuộc vào yếu tố như độ tuổi, tình trạng bệnh, công nghệ sử dụng và trình độ của bác sĩ.
Bước 1: Tăng số lượng trứng
Khi bắt đầu điều trị IVF, người phụ nữ được dùng thuốc làm tăng hormone kích thích nang trứng (FSH). Loại hormone này kích thích buồng trứng sản xuất nhiều hơn một quả trứng mỗi tháng. Buồng trứng càng tạo ra nhiều trứng càng tăng khả năng thụ tinh được nhiều phôi hơn, tỷ lệ mang thai thành công càng cao. Quá trình kích trứng kéo dài khoảng 10 ngày.
Bước 2: Chọc hút trứng
Sau thời gian bệnh nhân dùng thuốc, bác sĩ siêu âm buồng trứng và xuyên một cây kim nhỏ qua âm đạo vào từng buồng trứng để thu thập trứng. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau, gây mê. Hầu hết gặp tình trạng co thắt ở vùng bụng dưới nhưng hết sau một ngày.
Bước 3: Thu thập tinh trùng
Trong khi người vợ được chọc hút nang trứng, người chồng cung cấp mẫu tinh trùng để thụ tinh. Một số trường hợp cần phẫu thuật tinh hoàn để thu thập tinh binh hoặc sử dụng mẫu hiến tặng do không có tinh trùng.
Bước 4: Thụ tinh
Trứng và tinh trùng được trộn với nhau trong phòng lab để thụ tinh tạo thành phôi. Nhằm tăng tỷ lệ tạo phôi thành công, chuyên gia có thể sử dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), tức chọn một tế bào tinh trùng khỏe mạnh để tiêm vào một trứng.
Bước 5: Chuyển phôi
Khoảng một tuần sau khi thụ tinh, bác sĩ tiến hành chuyển phôi. Phôi thường được nuôi cấy trong phòng lab đến giai đoạn phát triển tốt nhất, sau đó bác sĩ chọn một phôi chuyển vào buồng tử cung. Nếu thành công, khoảng 6-10 ngày sau, phôi tự bám dính và làm tổ trong tử cung.
Giống như các thủ thuật y khoa khác, IVF có những yếu tố rủi ro như:
Đa thai: Nhiều người thực hiện IVF được cấy nhiều hơn một phôi để tăng cơ hội mang thai, dẫn đến khả năng sinh đôi. Đa thai làm tăng nguy cơ trẻ sinh non và nhẹ cân.
Hội chứng quá kích buồng trứng: Sử dụng thuốc kích trứng quá nhiều có thể khiến buồng trứng sưng đau, gây đầy hơi, buồn nôn và tiêu chảy từng cơn. Hầu hết triệu chứng này chỉ kéo dài một tuần.
Dị tật bẩm sinh: Nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật chủ yếu xuất phát từ độ tuổi và bất thường về sinh sản khiến cha mẹ phải thực IVF.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, IVF là phương pháp điều trị vô sinh an toàn, hiệu quả, có nhiều lợi ích hơn rủi ro. Theo dữ liệu sơ bộ năm 2021 của Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản (SART) tại Mỹ, tỷ lệ IVF thành công ở phụ nữ dưới 35 tuổi là 44,5%, trên 35 tuổi còn 20,2%, trên 40 tuổi chỉ khoảng 9,6%, do lão hóa tự nhiên khiến chất lượng và số lượng trứng suy giảm mạnh.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)