Chị Ngọc (Nghệ An) kết hôn năm 2008 ở tuổi 27, được xem là "lấy chồng muộn". "Nhiều người nói không lấy chồng sớm sau này chuyện con cái khó khăn, thế mà đùa lại thành thật", chị nói, kể rằng suốt 6 năm sau không có con, vợ chồng tới nhiều bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản nhưng kết quả hoàn toàn bình thường. Bác sĩ kết luận họ vô sinh không rõ nguyên nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một dạng hiếm muộn khá phổ biến, chiếm khoảng 30% trường hợp vô sinh. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn do không xác định được nguyên nhân chính xác.
Thời điểm đó, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở miền Bắc chưa phổ biến, chị Ngọc quyết định vào Sài Gòn tìm cơ hội có con. Chị thực hiện thụ tinh ống nghiệm, thu được 4 phôi ngày 3, chuyển phôi một lần không đậu thai.
Cạn tiền, chị Ngọc tạm hoãn ước mong làm mẹ. Năm 2017, chị lại thụ tinh ống nghiệm tại Hà Nội, thu được hai phôi ngày 3, chuyển phôi thất bại. Đến một cơ sở khác, bác sĩ chỉ định nội soi thăm dò buồng tử cung nhưng không tìm ra nguyên nhân gây hiếm muộn. Chuyển phôi liên tiếp hai lần, chị vẫn chưa có tin vui.
Năm 2020, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Ngọc đã 39 tuổi. Bác sĩ phát hiện đa polyp trong buồng tử cung, chỉ định phẫu thuật loại bỏ. Chị còn được phát hiện u ác tính tuyến giáp, phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.
Bệnh nhân lớn tuổi, chất lượng trứng suy giảm, bác sĩ tư vấn kích trứng làm IVF, nuôi phôi với công nghệ Timelapse tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo, theo dõi liên tục quá trình phân chia tế bào nhằm phát hiện bất thường. Kết quả thu được 4 phôi, trong đó có hai phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Phôi ngày 3 hay phôi ngày 5 là các mốc phát triển tính từ thời điểm thụ tinh giữa tinh trùng và trứng. Những phôi chất lượng tương đối tốt phát triển đến ngày 5 có cơ hội đậu thai sau khi chuyển phôi cao hơn so với phôi ngày 3. "Sau nhiều lần chỉ có phôi ngày 3, nghe thông báo này tôi và chồng mừng phát khóc", chị kể.
Để giảm nguy cơ đa thai, đảm bảo an toàn thai kỳ cho em bé và người mẹ trong trường hợp chuyển phôi thành công, bác sĩ chỉ chuyển một phôi vào buồng tử cung. Quá trình này có sự theo dõi và tư vấn của chuyên khoa Nội tiết để đảm bảo thể trạng tối ưu cho chị Ngọc. Tuy vậy, ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị chưa gặp may mắn.
Tháng 6/2022, chị Ngọc quay trở lại IVF Tâm Anh sau hai năm gián đoạn hành trình "tìm con" vì dịch Covid-19. Bác sĩ Nội tiết khám, đánh giá đủ điều kiện chuyển phôi nhưng chị vẫn không đậu thai.
Hội chẩn về trường hợp của chị Ngọc, các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp Scratching - cào niêm mạc tử cung - trong chu kỳ chuẩn bị niêm mạc tiếp theo. "Chỉ còn phương pháp này, được kỳ vọng làm tăng sự tiếp nhận của tử cung, cải thiện khả năng cấy phôi", BS.CKI Phan Ngọc Quý cho biết.
Bác sĩ sử dụng ống catheter hút nhẹ niêm mạc trong buồng tử cung. Thao tác này làm "tổn thương" nhẹ bề mặt lớp nội mạc, thúc đẩy các phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch, tăng cơ hội phôi bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ.
Chị Ngọc chuyển phôi ngày 5 cuối cùng vào cuối tháng 12/2022. Sau 12 ngày, chị kiểm tra kết quả đậu thai. Tháng 9/2023, bé trai chào đời khỏe mạnh.
"Sau 15 năm mong ngóng, cuối cùng tôi cũng được mang thai và làm mẹ", chị Ngọc chia sẻ.
BS.CKI Phan Ngọc Quý cho biết các cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi kiểm tra đánh giá chức năng sinh sản không phát hiện bất thường sẽ được kết luận vô sinh không rõ nguyên nhân. Việc chẩn đoán phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ.
Trung bình mỗi năm, IVF Tâm Anh tiếp nhận khoảng 30% ca vô sinh không rõ nguyên nhân. Bên cạnh kiểm tra chức năng sinh sản, bác sĩ thăm khám tổng quát, đánh giá tiền sử và bệnh lý nền nhằm có phác đồ điều trị toàn diện cho người bệnh.
"Việc điều trị gặp nhiều thách thức do không có yếu tố cụ thể gây vô sinh để chỉ định phác đồ phù hợp", bác sĩ Quý cho biết.
Bệnh nhân trẻ (dưới 30 tuổi) thường được chỉ định thực hiện thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Bệnh nhân lớn tuổi như chị Ngọc sẽ được chỉ định IVF sớm nhằm dự phòng nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng nang noãn.
Theo bác sĩ, trong điều trị IVF, đặc biệt với trường hợp người bệnh lớn tuổi, chất lượng phôi cần được tối ưu qua các giai đoạn thụ tinh và nuôi cấy. Một số kỹ thuật hiện đại giúp tăng cơ hội thu được phôi chất lượng cao, tăng tỷ lệ đậu thai bao gồm tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi phôi bằng tủ Timelapse, sàng lọc phôi phát hiện sớm nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể...
Khuê Lâm
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Vào 20h ngày 22/11, chương trình tư vấn trực tuyến "Hiểu về quy trình nuôi phôi và các tiêu chí đánh giá phôi" sẽ phát trên fanpage VnExpress. Các chuyên gia từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, sẽ chia sẻ kiến thức về thụ tinh ống nghiệm, đặc biệt là các kỹ thuật hiện đại trong quá trình thụ tinh ống nghiệm và nuôi phôi. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được giải đáp. |