Bướu cổ ác tính (ung thư tuyến giáp) là tình trạng tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến, nhân lên nhanh chóng và tích tụ thành khối u. Nếu không điều trị, khối u phát triển xâm lấn mô lân cận và lan rộng, di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, phổi, xương, gan...
Chẩn đoán
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bướu cổ ác tính được xác định sau khi chọc hút tế bào thực hiện một số xét nghiệm tuyến giáp, siêu âm... gồm:
Xét nghiệm xác định nồng độ hormone trong máu: Đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hormone do tuyến giáp sản xuất cho biết sức khỏe tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm có thể được sử dụng để chỉ định siêu âm, chụp cắt lớp vi tính phóng xạ để xem xét nhân giáp.
Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể có liên quan đến rối loạn tự miễn dịch chẳng hạn như bệnh Hashimoto hoặc bệnh Basedow.
Siêu âm tuyến giáp: Qua siêu âm, bác sĩ xác định nhân giáp cứng hay chứa đầy dịch (đa phần các nhân giáp cứng là ung thư). Phương pháp này cũng được dùng để kiểm tra số lượng và kích thước của các nốt tuyến giáp, giúp xác định xem có hạch bạch huyết nào gần đó bị mở rộng do ung thư tuyến giáp đã di căn hay không.
Với các nhân giáp quá nhỏ, không thể sờ thấy, kỹ thuật siêu âm được sử dụng để hướng kim sinh thiết vào nhân để lấy mẫu bệnh phẩm. Ngay cả khi nốt sần sùi đủ lớn để có thể sờ thấy, hầu hết các bác sĩ vẫn dùng sóng siêu âm để định hướng kim.
Chụp cắt lớp vi tính phóng xạ: Phương pháp này thường được sử dụng ở người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (u nhú, nang hoặc tế bào Hürthle) để xác định khối u đã di căn hay chưa. Xạ hình tuyến giáp không được sử dụng cho người bệnh ung thư tuyến giáp thể tủy vì các tế bào này không hấp thụ iốt.
Chụp cắt lớp vi tính phóng xạ: Hiệu quả của phương pháp này tốt nhất nếu bệnh nhân có nồng độ hormone kích thích tuyến giáp trong máu cao. Với người bệnh có hormone kích thích tuyến giáp thấp, bác sĩ sẽ tiêm thyrotropin (một loại hormone kích thích tuyến giáp) trước khi chụp.
Sinh thiết tuyến giáp: Bác sĩ chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA) bằng cách đặt một cây kim mỏng, rỗng trực tiếp vào nốt sần để hút một số tế bào và một vài giọt chất lỏng vào ống tiêm. Bác sĩ cũng lấy mẫu từ một số khu vực của nốt và gửi đến phòng thí nghiệm.
Sinh thiết tuyến giáp thường được thực hiện trên các nhân giáp lớn hơn một cm. Các bác sĩ thường sử dụng siêu âm trong quá trình sinh thiết để đảm bảo lấy mẫu từ đúng vị trí. Sinh thiết tuyến giáp cũng được sử dụng để lấy mẫu các hạch bạch huyết bị sưng ở cổ để kiểm tra chúng có chứa tế bào ung thư hay không.
Điều trị
Bác sĩ Duy cho biết thêm, tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp sẽ có cách điều trị khác nhau, chẳng hạn ung thư biểu mô nhú và ung thư biểu mô nang là phẫu thuật sau đó điều trị bằng iốt phóng xạ. Với ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy, bác sĩ có thể phẫu thuật, sau đó xạ trị. Xạ trị và hóa trị giúp kiểm soát các triệu chứng của ung thư biểu mô tuyến giáp không sản sinh.
Theo bác sĩ Duy, phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên đối với hầu hết các loại ung thư tuyến giáp. Quá trình mổ tuyến giáp tìm ẩn rủi ro tổn thương dây thanh quản dẫn đến khàn giọng, câm, mất nhiều máu... Do đó, bác sĩ cần có nhiều kinh nghiệm và trang bị thiết bị máy móc hiện đại. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp, các tuyến bạch huyết gần đó. Hậu phẫu, người bệnh nghỉ ngơi vài tuần, tránh bất kỳ hoạt động nào tác động lên cổ.
Một đợt điều trị bằng iốt phóng xạ thường được khuyến cáo sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Người bệnh uống iốt phóng xạ ở dạng lỏng hoặc viên nang. Tuyến giáp hấp thụ iốt phóng xạ, chất này phá hủy các tế bào trong tuyến giáp.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, cơ quan này sẽ không sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, người bệnh cần uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời để ngăn ngừa các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, sụt cân, khô da... Đôi khi, các tuyến cận giáp có thể bị ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật. Đây là các tuyến điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Người bệnh phải bổ sung canxi cho đến khi các tuyến cận giáp hoạt động bình thường trở lại.
Nguyễn Trăm