BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, hầu hết bướu giáp đa nhân lành tính, không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bướu giáp đa nhân là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp. Người bệnh bướu giáp đa nhân cần khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường tại bệnh viện có máy móc, trang thiết bị hiện đại. Điều này giúp người bệnh có kết quả xét nghiệm nhanh chóng, siêu âm chính xác và điều trị hiệu quả.
Khi khám, ngoài việc hỏi tiền sử bệnh và yếu tố gia đình, bác sĩ quan sát, sờ vào cổ người bệnh cảm nhận kích thước và hình dạng tuyến giáp. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu nhằm định lượng hormone tuyến giáp (TSH, FT3, FT4), kháng thể tuyến giáp (Anti TPO). Qua các chỉ số này, bác sĩ sẽ đánh giá hoạt động tuyến giáp và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp kiểm tra khác như siêu âm cổ, chụp CT... để chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh.
Theo bác sĩ Vũ, siêu âm là phương pháp tốt nhất để kiểm tra tuyến giáp, giúp bác sĩ đánh giá kích thước của tuyến giáp và các đặc điểm nhân giáp như kích thước, số lượng, vôi hóa, phản âm, đường viền, hình dạng, đặc hay dạng nang.
Nếu bất kỳ nhân nào đáng ngờ về khả năng ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ. Bác sĩ dùng cây kim rất mỏng lấy tế bào từ một số nhân tuyến giáp và gửi đến phòng thí nghiệm, sinh thiết xem có phải ung thư hay không. Bác sĩ khoa Giải phẫu bệnh sẽ quan sát tế bào dưới kính hiển vi. Sinh thiết sẽ đưa ra 4 kết quả:
Không chẩn đoán được: có nghĩa không đủ tế bào để xác định chẩn đoán. Trường hợp này sẽ được chỉ định sinh thiết lại.
Lành tính: hầu hết người bệnh có kết quả sinh thiết lành tính và tiếp tục được theo dõi định kỳ 6 tháng. Bướu giáp đa nhân lành tính vẫn có thể phẫu thuật nếu kích thước nhân lớn, gây triệu chứng khó nuốt, khó thở, mất thẩm mỹ.
Ác tính: thường là ung thư tuyến giáp thể nhú, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
Không xác định: bao gồm các dạng tổn thương nang, khối u nang, tổn thương tế bào Hurthle (một loại tế bào tuyến giáp), tế bào hoặc các khối u không điển hình. Điều này có nghĩa là không chắc rằng các tế bào này có phải ung thư hay không nhưng chúng bất thường. Có tới 15-20% kết quả FNA (chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ) trả về ở dạng này.
Bác sĩ Tiến Vũ cho biết, các phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân gồm thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tùy từng tình trạng người bệnh mà bác sĩ tư vấn phương án tối ưu, thậm chí kết hợp cả 3 phương pháp để mang lại hiệu quả.
Phương pháp iốt phóng xạ: hoạt động bằng cách phá hủy một phần tuyến giáp, giúp thu nhỏ tuyến giáp. Người bệnh uống một ly nước chứa liều lượng iốt theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường, các tế bào tuyến giáp sẽ hấp thụ iốt và bị phá hủy. Tuyến giáp có thể sản xuất hormone trở lại bình thường nhưng cũng nhiều trường hợp bị suy giáp, cần điều trị tiếp tục với thuốc hormone.
Với phương pháp thuốc kháng giáp methimazole và propylthiouracil, người bệnh phải dùng trong thời gian dài, các tác dụng phụ có thể xảy ra như giảm bạch cầu hạt, nhiễm độc gan, viêm mạch...
Với phương pháp phẫu thuật: tùy vào kích thước, số nhân giáp, có nhân độc không, có ung thư không... mà sẽ có chỉ định cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Nếu phát hiện nhân giáp ung thư, phẫu phuật là phương pháp ưu tiên áp dụng. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.
Nguyễn Trăm