Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị các bệnh tuyến giáp. Bác sĩ loại bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bên cạnh nguy cơ bị sẹo lồi, người bệnh còn dễ bị nhiễm trùng, khàn giọng, hạ canxi máu... Do đó, sau phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau.
Về vệ sinh: Khi hoàn tất phẫu thuật, bác sĩ dùng miếng gạc nhỏ che vết thương, tránh nhiễm trùng. Vào các ngày tiếp theo, người bệnh nên nhẹ nhàng gỡ miếng gạc cũ, thay vào miếng mới một lần mỗi ngày để vết thương sạch sẽ, khô ráo.
Khi tháo chỉ khâu và vết mổ "khép miệng", bạn nên rửa nhẹ vết mổ bằng nước, xà phòng có độ PH thấp hơn 7; không nên chà vào vết mổ gây kích ứng, làm hở vết thương. Người bệnh nên tránh ánh nắng trực tiếp, nếu ra ngoài phải thoa kem chống nắng để lớp da không bị sạm; massge liên tục trong hai tháng để hạn chế sẹo lồi.
Cử động: Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị khàn tiếng nhẹ hoặc khó chịu khi nuốt trong vài ngày đầu, hạn chế nâng vật nặng hoặc làm việc quá sức. Khi đi ngủ, bạn cần kê cao gối để tạo tư thế thoải mái.
Theo dõi biến chứng: Người bệnh nên lưu ý theo dõi một số biến chứng có thể gặp để điều trị kịp thời.
Chảy máu ở cổ: Lượng máu mất trung bình cho các hoạt động tuyến giáp thường ít và khả năng cần truyền máu là rất hiếm. Tuy nhiên, chảy máu ở cổ có khả năng nguy hiểm đến tính mạng vì khi máu đọng lại, nó có thể đẩy lên khí quản gây khó thở. Người bệnh được theo dõi chặt chẽ suốt 24 giờ. Sau đó, nếu người bệnh khỏe và không có dấu hiệu chảy máu sẽ được xuất viện. Khi về nhà, người bệnh tiếp tục theo dõi các dấu hiệu như khó thở, giọng nói the thé, cổ sưng to... Nếu có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra, người bệnh phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói: Tổn thương dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh mất giọng hoặc khàn tiếng. Đối với khàn tiếng tạm thời, người bệnh có giọng nói mệt mỏi và suy nhược, xảy ra khi một hoặc nhiều dây thần kinh bị kích thích trong quá trình phẫu thuật hoặc do tình trạng viêm nhiễm xảy ra sau phẫu thuật. Tình trạng này thường thuyên giảm trong vòng vài tuần nhưng có thể kéo dài đến 6 tháng.
Trường hợp bị khàn giọng vĩnh viễn (hiếm khi xảy ra), bác sĩ khoa Tai Mũi Họng sẽ xác định vấn đề cụ thể và thực hiện các thủ thuật khác nhau để cải thiện chất lượng giọng nói.
Hạ canxi máu (suy tuyến cận giáp): Các tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ có kích thước bằng hạt gạo, nằm gần hoặc gắn liền với tuyến giáp, kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp) xảy ra vì các tuyến cận giáp không hoạt động bình thường ngay sau khi phẫu thuật, gây ra các triệu chứng như tê và ngứa ran (nhất là ở xung quanh môi và ở bàn tay và bàn chân), chuột rút... Người bệnh cần uống bổ sung canxi từ 1-2 tuần sau khi phẫu thuật tuyến giáp.
Dùng thuốc đúng chỉ định: Sau khi hết tác dụng của thuốc mê, người bệnh sẽ trải qua các cơn đau, có thể đau ít hay nhiều tùy vào từng cuộc phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ (vitamin D, canxi , thuốc điều trị tuyến giáp...) sau mổ và cả khi xuất viện. Dùng gạc hoặc khăn, nhúng vào nước đá lạnh, vắt nhẹ rồi chườm lên vết thương giúp giảm đau.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyên khi có dấu hiệu bất thường như cổ sưng to, giọng nói the thé, chuột rút, tê tay, chân..., người bệnh nên đi khám bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám và điều trị kịp thời.
Nguyễn Trăm