Phù hoàng điểm xảy ra khi chất lỏng từ các mạch máu bị tổn thương, rò rỉ vào điểm vàng (khu vực ở trung tâm võng mạc giúp nhìn thấy các vật thể phía trước) và gây sưng tấy khu vực này. Yếu tố nguy cơ chính của phù hoàng điểm là lượng đường trong máu không được kiểm soát. Huyết áp cao hoặc cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ mất thị lực.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ), phù hoàng điểm có thể tiến triển nhanh hơn bệnh võng mạc tiểu đường. Lúc đầu, bạn có thể không gặp nhiều triệu chứng nhưng tầm nhìn sẽ nhanh chóng mờ đi. Khi chất lỏng tích tụ nhiều ở trung tâm của điểm vàng làm giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác. Hạ thấp mức A1C (mức đường huyết trung bình trong ba tháng) có thể giúp làm chậm sự phát triển của căn bệnh này và bảo vệ tầm nhìn.
Bệnh được phát hiện sớm và điều trị giúp giữ lại thị lực càng lâu. Do đó, người bệnh tiểu đường cần khám mắt thường xuyên. Nếu đợi cho đến khi tầm nhìn bị ảnh hưởng, người bệnh mới kiểm tra có thể không lấy lại được toàn bộ thị lực ban đầu.
Theo tiến sĩ Daniel Casper, Trung tâm Y tế Irving (Đại học Columbia), trước đây, tia laser là phương pháp được lựa chọn để điều trị phù hoàng điểm do tiểu đường. Laser giúp bịt kín các mao mạch để ngăn rò rỉ. Tuy nhiên, hiện nay đã có thuốc tiêm mắt ngăn chặn sự phát triển và rò rỉ mạch máu. Thuốc corticosteroid được sử dụng để giảm viêm trong mắt và ngăn rò rỉ. Một số loại thuốc được thiết kế để ngăn chặn sự tích tụ của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (một loại protein tạo ra các mạch máu mới trong mắt - VEGF). Bằng cách ngăn chặn VEGF, loại thuốc này làm giảm sưng ở mắt gây ra phù hoàng điểm.
Nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng quốc gia về bệnh mắt (Trung Quốc) chỉ ra rằng, metformin (một loại thuốc điều trị tiểu đường) có thể làm tăng hiệu quả của thuốc tiêm chống VEGF. Người bệnh có thể lựa chọn điều trị bằng laser, thuốc tiêm hoặc cả hai phương pháp.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)