Bác sĩ Phan Thị An, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ em mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trong đó, phần lớn là đái tháo đường type 1. Bệnh không được kiểm soát có thể gây biến chứng lên các cơ quan như thận, tim mạch, mắt, thần kinh... làm tăng chi phí chữa trị, giảm chất lượng cuộc sống. Song thay đổi lối sống lành mạnh, điều chỉnh ăn uống, vận động, có thể phòng ngừa đái tháo đường cho trẻ.
Kiểm soát cân nặng góp phần giảm đề kháng insulin, giúp đường huyết ổn định. Trẻ béo phì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những trẻ bình thường. Phụ huynh nên theo dõi cân nặng, chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) của con thường xuyên, có biện pháp điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt phù hợp để tránh thừa cân, béo phì.
Dinh dưỡng lành mạnh không có nghĩa là ăn ít mà là ăn đúng và đủ. Đảm bảo cho trẻ được cung cấp đủ lượng calo cho hoạt động thể chất, học tập mỗi ngày. Không bổ sung thừa calo dễ gây tích lũy mỡ dẫn đến thừa cân.
Tăng cường rau củ và trái cây trong bữa ăn để cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ cho cơ thể, giúp cân bằng đường huyết. Rau củ nên được luộc hoặc làm salad. Trái cây cần chọn loại tươi sạch, ít hoặc không có chất bảo quản, thuốc trừ sâu... Ưu tiên trái cây có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Hạn chế thức ăn nhanh và chế biến sẵn do nhiều chất béo xấu, đường và muối. Những thực phẩm này dễ gây béo phì, có hại cho sức khỏe nói chung và làm tăng đường máu nói riêng. Phụ huynh nên nấu ăn tại nhà để lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, hạn chế cho trẻ ăn uống bên ngoài.
Tăng cường ngũ cốc nguyên hạt từ bánh mì nguyên cám, gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác chứa carbohydrate lành mạnh khác thay vì tinh bột trắng. Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa tốt hơn, góp phần duy trì mức đường huyết ổn định.
Cắt giảm đường và đồ ngọt nhân tạo để ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột, tránh thừa cân.
Không bỏ bữa vì dễ khiến trẻ đói, tăng nhu cầu ăn vào bữa kế tiếp. Ăn nhiều trong một bữa là yếu tố làm cho đường huyết biến động mất ổn định, dễ mắc bệnh đái tháo đường.
Hoạt động thể chất đều đặn cần thiết để trẻ cân bằng lượng đường trong máu. Trẻ nên có 30-60 phút trong ngày tham gia các môn thể thao và hoạt động thể chất bên ngoài. Đi bộ, đá bóng, nhảy dây, bơi lội, đuổi bắt, cầu lông... có thể phù hợp với các bé. Cho trẻ tham gia các câu lạc bộ thể thao cũng là cách tập luyện đều đặn về thể lực, xả stress.
Hạn chế thiết bị điện tử bằng cách cho trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Sử dụng thiết bị điện tử khiến trẻ lười vận động, dễ tăng cân, tích tụ mỡ. Ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe vốn có. Trẻ còn được đánh giá chiều cao, cân nặng, theo dõi chỉ số BMI và đường máu thường xuyên. Từ đó, bác sĩ đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ An lưu ý phòng ngừa đái tháo đường ở trẻ em cần sự kiên nhẫn, chặt chẽ từ phụ huynh, giúp con có lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |