BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh đái tháo đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ dưới 18 tuổi. Bệnh chủ yếu do nguyên nhân tự miễn, tức là các phản ứng tự miễn dịch trên tế bào beta tuyến tụy gây viêm, hoại tử tế bào, dẫn đến giảm bài tiết, thiếu insulin nội sinh. Từ đó chúng tác động xấu đến quá trình chuyển hóa glucose trong máu và tăng đường huyết.
Đái tháo đường type 1 không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng lên nhiều cơ quan trên cơ thể.
Bệnh tim và mạch máu: Biến chứng đái tháo đường type 1 có thể xuất hiện rất sớm do tăng đường huyết hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu. Các biến chứng thường gặp là biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Tổn thương mạch máu nhỏ ảnh hưởng đến mắt, thận, thần kinh; có thể làm tổn thương tim, mạch máu não, động mạch ngoại biên và một số cơ quan khác.
Tổn thương thần kinh: Người bệnh có thể có các triệu chứng sớm như tê, rát, buốt, đau đầu ngón chân, ngón tay và lan dần lên cẳng chân, cẳng tay. Đường huyết cao dễ dẫn đến tổn thương thần kinh tự chủ, tác động xấu đến hoạt động của hệ tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón), nhịp tim nhanh lúc nghỉ, rối loạn cương dương ở nam giới.
Tổn thương thận: Người bệnh có thể bị tổn thương hệ thống mạch máu và hoạt động cầu thận, dẫn đến biến chứng đái tháo đường type 1 là suy thận diễn tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối. Lúc này điều trị bệnh khó khăn, cần một số biện pháp can thiệp như lọc máu, lọc màng bụng, lọc thận, thay thế thận.
Tổn thương mắt: Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng về mắt thường gặp, do các mạch máu tại võng mạc bị tổn thương. Bệnh có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ suy giảm thị lực, như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp...
Tổn thương bàn chân: Người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết dễ làm tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân, tổn thương mạch máu hoặc biến dạng xương, khả năng cao biến chứng loét bàn chân đái tháo đường. Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết loét có thể tạo thành ổ nhiễm trùng, áp xe nghiêm trọng có nguy cơ cắt cụt chi.
Tình trạng da và miệng: Người bệnh đái tháo đường type 1 dễ bị nhiễm trùng da, miệng do suy giảm miễn dịch, khiến vi khuẩn hoặc nấm dễ xâm nhập, gây ra các bệnh viêm nhiễm.
Tử vong do hạ đường huyết: Tình trạng này dễ gặp ở người bệnh dùng insulin nhưng có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo. Một số dấu hiệu hạ đường huyết như run tay, đổ mồ hôi, tim đập loạn nhịp, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt đột ngột, buồn ngủ, lú lẫn...
Nhiễm toan đái tháo đường: Đây là biến chứng đái tháo đường type 1 cấp tính nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể cạn kiệt insulin, phải phân hủy chất béo để lấy năng lượng, làm tích tụ axit trong máu.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường type 1 có triệu chứng khát nước, tiểu nhiều, đau bụng, buồn nôn, sụt cân bất thường, hơi thở có mùi trái cây, mệt mỏi, lú lẫn, mất ý thức, cần đến ngay cơ sở y tế khám vì có thể nhiễm toan ceton. Phụ nữ bị đái tháo đường type 1 khi mang thai không kiểm soát đường huyết tốt còn có nguy cơ sảy thai, thai lưu, tiền sản giật, thai nhi dị tật...
Hiện, chưa có phương pháp phòng ngừa triệt để bệnh đái tháo đường type 1. Chủ động trang bị kiến thức về bệnh, kiểm tra sức khỏe để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Người thuộc nhóm nguy cơ cao (có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường type 1) nên xét nghiệm kháng thể để sớm phát hiện và điều trị, hạn chế nguy cơ biến chứng đái tháo đường type 1.
Bảo Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |