Ngày 26/8, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết âm thanh phổi của người bệnh bất thường. Chụp CT cho thấy phổi tổn thương dạng nốt và hình ảnh tổn thương dạng chồi cây ở đỉnh phổi trái, tràn dịch màng phổi trái. Kết quả sinh thiết màng phổi ghi nhận tổn thương viêm hạt do lao.
Thuốc chữa lao phổi có thể gây suy giảm thị lực, do đó người bệnh được kiểm tra mắt trước khi điều trị và không phát hiện bất thường. Người bệnh được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng riêng nhằm nâng cao thể trạng. Sau một tuần, bệnh nhân hết sốt, dịch màng phổi giảm dần, xuất viện và tiếp tục điều trị phác đồ chống lao theo chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ Hương, lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây nên tại phổi. Vi khuẩn lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ. Thông thường các bệnh lý ở phổi thường có biểu hiện đau tức ngực, dễ nhầm lẫn đau ngực do bệnh tim. Người bệnh lao có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như ho kéo dài trên hai tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm, đôi khi khó thở...
Bệnh lao phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người có hệ miễn dịch yếu do nhiễm HIV, ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch (corticoid), người mắc các bệnh mãn tính, đái tháo đường, suy thận mạn, người nghiện thuốc lá có nguy cơ cao hơn. "Nam thanh niên 22 tuổi không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn nhiễm bệnh, cho thấy khả năng lây lan mạnh của bệnh lý này", bác sĩ Hương nói.
Để phòng bệnh lao, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vaccine phòng lao (BCG). Người bị ho kéo dài hơn hai tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao. Người bệnh lao nên điều trị sớm, tránh lây lan cho người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, nên đeo khẩu trang liên tục trong hai tháng đầu điều trị. Phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao cần đi khám để tầm soát.
Khuê Lâm