Bác sĩ Mai Mạnh Tam - Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, đợt cấp COPD (tên tiếng Anh - COPD Exacerbation) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh, trở nên xấu đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đòi hỏi có sự thay đổi ở phác đồ điều trị thông thường. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân có đợt cấp không phát hiện kịp thời làm chậm trễ trong quá trình điều trị dẫn đến tiên lượng bệnh nặng.
Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có nguy cơ bị đợt cấp. Các dấu hiệu cảnh báo phổ biến cho đợt bùng phát bệnh là thở khò khè, ho nặng hơn hoặc khó thở, thở nông hoặc nhanh, nhịp tim hoặc nhiệt độ tăng lên, thay đổi màu sắc của đờm.
Những người bị COPD có thể có một hoặc hai đợt cấp mỗi năm và những đợt cấp này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Yếu tố nguy cơ và khởi phát dẫn đến đợt cấp COPD: hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, người lớn tuổi (trên 40 tuổi), chức năng phổi càng suy giảm cũng là một trong các yếu tố nguy cơ.
Các triệu chứng đợt cấp COPD
Phổi có nhiệm vụ trao đổi Oxy và Carbon Dioxide (CO2) để thực hiện chu trình sống của cơ thể, với người bị COPD sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trao đổi chất này vì phổi không hoạt động tốt. Điều này có thể là tác nhân dẫn đến sự tích tụ Carbon Dioxide và giảm lượng oxy. Nếu khí CO2 tích tụ trong cơ thể quá mức hoặc mức độ Oxy trở nên quá thấp điều này có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu rõ ràng của một cơn đợt cấp COPD sắp xảy ra là khó thở. Người bệnh cảm thấy bị bóp nghẹn lồng ngực, lượng không khí tiếp nhận không đủ. Điều này xảy ra ngay cả khi người bệnh có hoạt độ có hoạt động thể chất nhẹ hoặc ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Một số triệu chứng khác nên chú ý:
Khó thở: Người bệnh khi vào đợt cấp COPD thường không thể thở một cách thoải mái, cảm giác không đủ không khí để thở, cơn khó thở có xu hướng tăng dần. Nếu tình trạng này kéo dài và trở nên nặng hơn, hoặc người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang ngủ nghỉ ngơi, nên dùng thuốc hỗ trợ và nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Có thể nói đây cũng là một trong những triệu chứng đợt cấp COPD thường gặp.
Thở rít: Đối với người bệnh bị phổi tắc nghẽn mạn tính, tiếng thở rít thường xuất hiện ở kỳ thở ra. Âm thanh này được tạo ra do sự tắc nghẽn đường thở do tích tụ các chất tiết, đờm mủ.
Tiếng thở khò khè: Hiện tượng thở khò khè ở người bệnh COPD cũng được tạo ra do đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần bởi chất nhầy, mủ.
Đau ngực: Trong đợt cấp COPD, người bệnh sẽ cảm thấy phải gắng sức hơn để thở, dẫn tới cảm giác đau tức, nặng ngực. Trong đợt kịch phát, hơi thở của người bệnh có thể trở nên không đều, phần ngực di chuyển lên xuống nhanh chậm bất thường.
Ho: Đối với bệnh nhân tắc phổi nghẽn mạn tính, ho nhiều và nặng hơn bình thường có thể là một triệu chứng đợt cấp COPD. Lúc này, người bệnh có thể ho khan, hoặc ho có đờm vàng, xanh.
Da hoặc móng tay đổi màu: Trong đợt kịch phát COPD, người bệnh sẽ có thể có những thay đổi đáng chú ý về màu sắc của da như: xuất hiện một màu xanh tím xung quanh môi, sắc mặt nhợt nhạt; và móng tay cũng sẽ chuyển sang màu xanh lam, tím. Đây là dấu hiệu suy hô hấp.
Khó ngủ và chán ăn: Khi các triệu chứng của một đợt cấp COPD tăng lên, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn uống kèm theo tình trạng mất ngủ.
Đau đầu vào buổi sáng: Đây cũng được xem là dấu hiệu đáng lưu ý của một đợt cấp COPD. Ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nồng độ oxy trong máu (SpO2) thấp và lượng carbon dioxide tích tụ dư thừa trong máu là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu vào buổi sớm.
Sốt: Đây cũng được xem là một dấu hiệu của việc nhiễm trùng và bắt đầu một đợt cấp COPD mới sắp xảy ra.
Lo lắng, kích thích: Vào những đợt cấp copd, người bệnh sẽ cảm thấy không nhận đủ oxy. Điều này không chỉ gây khó thở mà còn mang đến cảm giác lo lắng, hoảng loạn.
Không đủ sức nói: Người trải qua cơn suy hô hấp nặng có thể không đủ sức nói chuyện. Thay vào đó, người bệnh phải dùng cử chỉ để diễn tả điều mình muốn truyền đạt.
Nguyên nhân đợt cấp COPD
Nguyên nhân trực tiếp và thường gặp nhất chiếm đến hơn 80% trong đợt cấp là nhiễm trùng (COPD bội nhiễm), các đợt nhiễm trùng này có thể do virus hoặc vi khuẩn.
Virus thường gặp: Rhinovirus, Influenza, Parainfluenza, Respiratory Syncytial Virus (Virus hợp bào RSV), Human Metapneumomia Virus, Picornaviruses, Coronavirus (Covid 19), Adenovirus,...
Vi khuẩn thường gặp: Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae,... Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác gây nên đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể liên quan đến:
Yếu tố nội khoa: các bệnh nhân tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi, mệt cơ hô hấp, bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc không đúng phác đồ, bệnh nhân sử dụng thuốc an thần, chẹn beta giao cảm, thuốc gây mê, loạn nhịp tim và mắc các rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng các phủ tạng khác,..
Yếu tố ngoại khoa: Gãy xương, chấn thương lồng ngực, sau phẫu thuật bụng và ngực, 1/3 trường hợp không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán COPD
Theo tiêu chuẩn Anthonisen, đợt cấp xảy ra ở các bệnh nhân đã chẩn đoán COPD và đột nhiên xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau: khó thở tăng, đờm tăng, tthay đổi màu sắc của đờm, có hoặc không có các triệu chứng toàn thân khác (sốt, đau ngực, rối loạn ý thức...)
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu tăng nặng của đợt cấp COPD để chẩn đoán và điều trị. Một số dấu hiệu lâm sàng:
Hô hấp: khó thở lúc nghỉ ngơi, tím, SPO2 dưới 88%, co kéo cơ hô hấp phụ, chuyển động ngực bụng nghịch thường, nhịp thở trên 25 lần/phút.
Tim mạch: tim đập hơn 100 lần/phút, nhịp tim bị rối loạn, xanh tím, phù 2 chi dưới.
Kích thích, rối loạn ý thức.
Khí máu: PaO2 dưới 55mmHg, PaCO2 trên 45 mmHg.
Người bệnh có tiền sử điều trị oxy dài hạn tại nhà, có các bệnh kèm theo: tim mạch, nghiện rượu, tổn thương hệ thần kinh...
Mức độ đợt cấp COPD
Phân loại mức độ nặng của đợt cấp COPD theo Anthonisen
Đợt cấp COPD nhẹ: Có một trong 3 triệu chứng nặng là khó thở, số lượng đờm, màu đục, vàng và các triệu chứng đi kèm khác như: ho, tiếng rít, sốt không lý do. Trong 5 ngày trước đó có xảy ra hiện tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhịp thở, nhịp tim tăng trên 20% so với ban đầu.
Đợt cấp COPD trung bình: có 2 trong 3 triệu chứng nặng sau: khó thở, số lượng đờm, màu đục, vàng hơn. Lúc này, người bệnh nên sử dụng kháng sinh nếu màu sắc của đờm không tốt.
Đợt cấp COPD nặng: có cả 3 triệu chứng nặng sau: khó thở, số lượng đờm, màu đục, vàng hơn. Bệnh nhân được khuyến nghị dùng kháng sinh.
Phân loại mức độ nặng của đợt cấp COPD theo ATS/ ERS sửa đổi
Đợt cấp COPD nhẹ: Cảm thấy khó thở khi đi nhanh, leo cầu thang; nhịp thở bình thường; không xảy ra hiện tượng co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 1 trong 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Kiểm soát bằng việc tăng liều các thuốc điều trị hàng ngày.
Đợt cấp COPD trung bình: Khó thở khi đi chậm ở trong phòng; nhịp thở 20-25 lần/phút; thường có hiện tượng co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 2 trong 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Người bệnh cần được điều trị bằng corticoid toàn thân hoặc thuốc kháng sinh.
Đợt cấp COPD nặng và rất nặng: Khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi; khó thở dữ dội, thở ngáp; nói chậm từng từ hoặc không nói được; tri giác: ngủ gà, lẫn lộn, hôn mê; nhịp thở 25-30 lần/phút hoặc chậm, thậm chí ngừng thở; chuyển động ngực - bụng nghịch thường; xuất hiện co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 3 hoặc cả 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Người bệnh lúc này cần sớm nhập viện hoặc khám cấp cứu để được can thiệp kịp thời.
Biến chứng của COPD đợt cấp
Với những bệnh nhân xuất hiện đợt cấp thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng tăng các bệnh về viêm đường hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tăng tốc độ sụt giảm của chức năng hô hấp và khiến bệnh tiến triển xấu, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân có càng nhiều đợt cấp càng có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Bên cạnh đó tỷ lệ sống của bệnh nhân sau đợt cấp giảm dần theo thời gian, nghiên cứu đa trung tâm tổng hợp 25 trung tâm trên thế giới, nghiên cứu cho thấy trên 1000 bệnh nhân đã trải qua đợt cấp COPD, thì sau 2 năm tỷ lệ sống của bệnh nhân giảm còn 50,7%. Bên cạnh đó tiên lượng về chức năng hô hấp giảm, bẫy khí tăng lên, đặc biệt với trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn đa kháng tăng lên.
Ngoài ra, người bệnh sau khi trải qua đợt cấp COPD còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm sau:
Tràn khí màng phổi: Sự tắc nghẽn đường dẫn khí trong một khoảng thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khí hít vào phế nang không thở ra được, tạo ra sự tích tụ gây giãn phế nang, dẫn tới khí phế thũng. Sau đó, những phế nang này sẽ dần trở nên lớn hơn và vỡ vào khoang màng phổi gây ra biến chứng tràn khí màng phổi vô cùng nguy hiểm.
Tăng áp lực động mạch phổi: Biến chứng này xảy ra do sự biến đổi cấu trúc mạch máu trong phổi, làm tăng áp lực mạch phổi.
Suy tim: Đây được xem là một trong những biến chứng đợt cấp COPD nguy hiểm nhất mà người bệnh cần lưu ý. Theo đó, biến chứng này xảy ra là do áp lực động mạch phổi tăng, kèm theo tình trạng thiếu oxy kéo dài gây suy tim phải. Lâu dần, suy tim phải kết hợp với tình trạng thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn đến suy tim trái, suy tim toàn bộ.
Ngoài ra, đợt cấp COPD còn để lại những biến chứng nguy hiểm khác như: Ung thư phổi, loãng xương, trào ngược dạ dày thực quản, biến chứng thần kinh hoặc suy dinh dưỡng.
Lê Nguyễn