Đầu tư tới 33 tỷ đồng, "Kẻ thứ ba" - phim Lý Nhã Kỳ sản xuất, đóng chính - "chết yểu" khi chỉ thu gần một tỷ đồng. Nhiều phim Việt khác cũng chịu chung tình trạng thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Số phim thắng về doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nội dung nhạt, diễn xuất kém được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng loạt phim Việt ế ẩm.
Độc giả Le Huy nhận định: "Tôi thật sự rất lấy làm lạ khi hầu hết (90%) phim Việt ra rạp đều bị đánh giá kém ở khâu kịch bản. Các nhà làm phim đều ít nhiều có tay nghề và được đào tạo bài bản, nhưng không hiểu vì sao đã gần chục năm nay vẫn không thể khắc phục được khâu này? Kịch bản vay mượn thì rập khuôn, yếu ớt; kịch bản tự lập thì ngây ngô, thiếu logic và dễ đoán.
Nếu nói về kỹ xảo, diễn xuất thì rõ ràng phim Việt thất thế hoàn toàn so với các phim bom tấn quốc tế. Nhưng ngay cả phần kịch bản, tình tiết chúng ta cũng kém hơn cả phim các nước cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì thật khó chấp nhận. Thật tiếc khi các bộ phim được đầu tư chỉn chu lại thất bại vì những điểm yếu đã chục năm nay nhưng không được khắc phục. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, e rằng nên công nghiệp điện ảnh Việt sẽ lại quay về với công thức làm phim hài nhảm một màu như thập kỷ trước".
Đồng quan điểm, độc giả Walle cho rằng: "Cái mà tôi thấy hài hước nhất là ngay cả những khán giả không chuyên về phim ảnh, vẫn có thể thống kê vanh vách những lý do tại sao phim Việt đầu tư lớn mà vẫn thua lỗ? Vậy mà những nhà sản xuất phim Việt, toàn những người chuyên nghiệp, lại không nhận ra và vẫn tiếp tục đầu tư cả núi tiền vào những sản phẩm kém chất lượng khác. Để rồi, phim sau lại mắc y chang lỗi của những phim trước. Phải chăng họ quá thừa tiền?".
>> Khi nào người Việt làm được phim như Squid Game, Hellbound?
Đánh giá về chất lượng phim Việt thời điểm hiện tại, độc giả NVL nhận xét: "Ngày nay, khi nghe nói tới phim Việt, cả phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình, bất kể khán giả nghiêm túc nào cũng đều thấy ngán ngẩm. Coi phim Việt ngày nay, người ta không biết phim muốn nói điều gì, dù không thiếu diễn viên 'sao' này 'sao' nọ. Sau tất cả, người xem chỉ thấy cảnh trí và nội dung từa tựa như... bên Hàn Quốc, hoặc khổ đến mức phi lý giống như phim Ấn Độ. Nói thật, tôi thà lên YouTube xem lại mấy bộ phim thời xưa như 'Những nẻo đường phù sa', 'Đất phương Nam', 'Cánh đồng hoang', hay' Mùa len trâu'... để bồi hồi nhớ những miền ký ức còn hơn phí thời gian cho những phim bây giờ".
Trong khi đó, so sánh với điện ảnh các nước trong khu vực, bạn đọc Lê Xa thẳng thắng chia sẻ: "Tôi vừa xem xong bộ phim 'One for the Road' của điện ảnh Thái Lan và tự hỏi: một bộ phim không được PR, marketing rầm rộ như phim Việt nhưng sao lại hay đến thế? Bộ phim được chấm 7,4 điểm IMDB (rất cao). Với một kịch bản khá lạ lẫm, bộ phim kể về đôi bạn, trong đó có một ng bị ung thư. Câu chuyện xoay quanh những chuyện tình cảm trong quá khứ của riêng từng người họ .
Tôi thắc mắc tại sao điện ảnh Việt không thể cho ra đời được những bộ phim chất lượng, chứ chưa nói là hay đến tầm như vậy? Tôi thường xem phim Thái Lan và Hàn Quốc, nhận thấy hàng năm họ cho ra đờiít nhất hai, ba phim thực sự chất, trong khi ở ta vẫn là con số '0' trong trĩnh. Thật đáng buồn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.