Phim Việt đã làm tốt chức năng truyền tải nội dung chưa? Nếu chưa thì cũng chẳng cần phân ra tô hồng với bôi đen hiện thực xã hội làm gì, bởi vì có mảng nào làm tốt đâu? Nhận xét một cách thẳng thắn từ mội người theo dõi phim Việt nhiều năm qua, tôi cho rằng các tác phẩm của chúng ta giả từ bối cảnh, đến lời ăn tiếng nói của nhân vật.
Ngoài đời, làm gì có ai mà nói chuyện kiểu nhấn nhá, nhát gừng như trong phim? Ai nói theo kiểu vậy chắc sẽ bị người ta cho là có vấn đề về giao tiếp. Nhiều phim còn tô đen hiện thực một cách phi lý, nhằm kéo dài thời lượng phim là chính chứ không phải vì mục đích cao cả là làm nổi bật cái xấu để lên án. Một mô-típ quen thuộc trong các bộ phim Việt là nhân vật phản diện phải ác khủng khiếp, trong khi nhân vật chính diện thì tốt tới mức ngu ngốc, ngờ nghệch.
Tôi xem phim Việt, cứ mười phim thì hết chín phim là xuất hiện tình tiết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, vai người chồng thì nhu nhược, ngu ngốc; hay mâu thuẫn trong làm ăn, chủ tịch tập đoàn này với tập đoàn nọ; hay cảnh quán bar là nhạc nhẽo xập xình, đèn màu chớp nháy...
Trong khi đó phim nước ngoài có đủ hết mọi thể loại, hài hước có, lấy nước mắt người xem có, mọi bối cảnh từ học đường, công sở, đến ngoài vũ trụ, thời vua chúa ngày xưa cũng có. Ví dụ, phim nước ngoài cùng một nội chủ đề về con tàu Titanic huyền thoại nhưng có biết bao nhiêu bộ phim khai thác. Bộ phim nổi tiếng nhất là về tình yêu chắc có lẽ ai cũng biết, ngoài ra còn có các bộ phim khác viết dựa trên góc nhìn của thủy thủ đoàn, của kỹ sư thiết kế tàu, của chính trị gia, của người di cư... Đó là cái hay của biên kịch, sự sáng tạo của đạo diễn.
Thế giới có hàng tỷ loại người, hàng tỷ câu chuyện như vậy, tại sao tối này cứ phải đem ba cái chuyện mẹ chồng - nàng dâu, mâu thuẫn gia đình vào trong phim, rồi phồng mang trợn mắt, nói năng nặng nề như phim Việt? Tại sao người xấu thì phải ác tận cùng, không có nổi một miếng thiện; còn người tốt thì nhu nhược đến mức ngu ngốc? Đã có biết bao nhiêu bộ phim Việt tạo dựng tình huống trái ngang đến cùng cực rồi đưa ra một cái kết "đầu voi đuôi chuột" do biên kịch không có khả năng tháo gỡ nút thắt mà chính mình tạo nên.
>> Những bộ phim Việt kịch tính đến phi lý
Tôi để ý thấy, những người thích xem phim Việt thường là những người già ở vùng thôn quê, những người có suy nghĩ đơn giản, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật thấp, không biết tiếng nước ngoài, vì thế họ không thể nào tiếp cận với nền điện ảnh của các nước khác. Nhiều khi họ xem phim mà cũng không tập trung đầu óc để xem nữa, cứ bật TV rồi để đó, xem câu được câu mất, tập được tập không, chứ không tư duy động não, để ý vào tình tiết quá nhiều để làm cái gì.
Những người này khi xem phim nước ngoài thậm chí còn thường sẽ chê phim dở, bất kể phim đó được số đông khán giả đánh giá cao thế nào, vì họ không hiểu hết được dụng ý của người làm phim. Trong khi đó, sau khi xem phim Việt xong, họ thường không có thói quen xâu chuỗi câu chuyện, không có sự tư duy, logic các tình tiết đó lại, không hiểu những ẩn ý mà đạo diễn cài cắm vào trong phim, không nhớ chi tiết đó nằm ở đâu... Thói quen xem phim kiểu "mỳ ăn liền" nên họ thích cứ âm mưu nào trong đầu của nhân vật là phải phát thành lời, nói hết ra mới chịu...
Nắm bắt được thị hiếu này, nên nhiều phim Việt hiện nay làm rất hay khoản tạo "drama" quá lố, khiến người xem tức điên lên. Nhưng ai mà không có nhiều lựa chọn thì ngày nào họ cũng sẽ xem phim đó như bị nghiện, tự xem và tự bực mình về các nhân vật, sau đó đem sự bực mình đó trút lên người thân. Phim nước ngoài, người ta xây dựng tình tiết kịch tính có ý đồ cài chỗ này một tình tiết, cắm chỗ kia một tình tiết, có thắt nút, sau đó có tháo nút đàng hoàng khiến cho người xem cảm thấy thỏa mãn. Còn phim Việt có khi thêm những tình tiết này vào chỉ để lấp đầy khung giờ chiếu, tạo kịch tính lắm sau đó không biết cách gỡ nút thắt thế nào?
Tôi thừa nhận, một bộ phim phải có chính, có tà; có người tốt, kẻ xấu; nhưng mười phim mà hết chín phim quanh quẩn mất chuyện giật bồ, giật chồng, ngoại tình, đánh ghen... thì đó là do khâu kịch bản quá nghèo nàn. Nói thẳng là do người viết kịch bản kém, thiếu sáng tạo, thích "mỳ ăn liền", chứ chẳng phải vì lý do "phản ánh hiện thực đời sống" như nhiều người vẫn bao biện.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây