Tôi là một người thường xuyên theo dõi các bộ phim truyền hình Việt Nam, cũng từng đi theo những bước thăng trầm của điện ảnh nước nhà. Không thể phủ nhận, đây là món ăn tinh thần vô cùng cần thiết cho khán giả, nhất là trong quãng thời gian giãn cách xã hội này. Nếu như trước đây, chúng ta có những bộ phim từng gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem như Cảnh sát hình sự, Hoa cỏ may, Người phán xử... thì gần đây lại nổi lên những bộ phim truyền hình được Việt hóa từ những kịch bản nước ngoài như Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân... thu hút được đông đảo sự quan tâm từ phía khán giả.
Không thể phủ nhận, những bộ phim được Việt hóa này vốn dĩ đã có một kịch bản hay, chất lượng, giống như một khung xương sống vững chắc, đảm bảo cho thành công bước đầu của phim. Thêm vào đó, đội ngũ diễn viên trẻ, đẹp, tài năng cũng là một điểm cộng nữa, khiến cho các bộ phim càng nhận được thiện cảm của người xem. Thế nhưng, đáp lại những kỳ vọng ấy, phần những bộ phim này, sau khi qua bàn tay nhào nặn của các đạo diễn trong nước, lại đều gặp chung một vấn đề: dài dòng, lê thê, phi thực tế và thiếu điểm nhấn, đúng theo kiểu "đầu voi đuôi chuột".
Vì là kịch bản gốc của nước ngoài đã qua tuyển chọn nên hầu hết các bộ phim truyền hình hiện nay đều có phần mở đầu hấp dẫn, cách đặt vấn đề mới mẻ, câu chuyện cũng khá thú vị. Vậy nhưng, cảm giác ấy chỉ được kéo dài trong khoảng 10 tập đầu tiên. Còn sau đó, khi các đạo diễn cố tình lắp ghép thêm những chi tiết, tình huống Việt hóa vào để làm mới câu chuyện, mọi thứ bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Phần nhiều trong số đó mắc một lỗi chung là thiếu logic, đẩy mạch phim trở nên rề rà, chậm đến mức nhàm chán. Có cảm giác như người làm phim chỉ muốn bôi ra nhiều nhất có thể, khiến cho câu chuyện thêm phức tạp và rối rắm.
Kịch bản đã vậy, phần lời thoại phim cũng chẳng khá hơn là bao. Gần đây, tôi thấy nhiều phim Việt cố tình làm dụng những câu thoại gay gắt, tục tĩu quá mức cần thiết. Có thể nhà làm phim sẽ lý giải rằng làm vậy cho thực tế hơn, nhưng vì bị đẩy quá đà nên khiến phản tác dụng, gây phản cảm và khiến người xem có phần mệt mỏi. Đôi khi, tôi có cảm giác như mình đang xem một bộ phim viễn tưởng vậy. Không phải viễn tưởng như phim Hollywood mà là những thứ không có thật ngoài đời.
>> Phim Việt nhàm chán vì mô-típ 'thiện ngu ngốc, ác tận cùng'
Thực ra, đã làm phim Việt hóa, người xem hoàn toàn có thể biết trước được cái kết của phim. Vậy vấn đề đặt ra là các đạo diễn phải xây dựng kịch bản làm sao để dẫn dắt câu chuyện một cách thuyết phục nhất, giúp người xem kiên nhẫn chờ đến cuối phim. Vậy nhưng, thực tế chất lượng phim hiện nay lại trái ngược hoàn toàn. Người xem nhanh chóng thấy chán nản, mệt mỏi vì chuyện phim sau khoảng 20-30 tập đầu. Thế nên, phần còn lại của bộ phim trở thành thừa thãi, khán giả không thể lấy lại được cảm xúc ban đầu. Vì thế, dẫu cho cái kết có hấp dẫn cỡ nào cũng không thể trở nên trọn vẹn vì thứ cảm xúc mà bộ phim mang lại không được duy trì trong suốt cả quá trình phát sóng. Việc càng xem càng chán cũng là điều dễ hiểu.
Thực ra, ngay từ việc một bộ phim gốc chỉ có 40 tập, nhưng về Việt Nam lại bị bôi ra thành 70 tập, đủ để cho thấy chất lượng ban đầu khó lòng được giữ trọn vẹn. Không phải nước ngoài không có những bộ phim kéo dài hàng trăm tập, thế nhưng những tác phẩm ấy lại được chăm chút kỹ càng cho kịch bản, hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối, có thể kể đến như "Những nàng công chúa nổi tiếng", "Gia đình là số một"... Làm được việc đó không phải chuyện đơn giản. Không phải cứ thích là muốn thêm gì thì thêm, diễn gì thì diễn, cài cắm kích tính vô tội vạ, làm phim theo kiểu chạy theo số lượng như ở Việt Nam hiện nay, đương nhiên chất lượng sẽ thụt lùi.
Người ta khái quát chuyện đời, thêm chút nhấn nhá, rồi hình tượng hóa lên thành một bộ phim hoàn chỉnh. Trong khi chúng ta lại đi ngược thời đại, biến phim thành đời theo kiểu phải ăn đủ mỗi ngày mấy bữa, cãi nhau chí chóe mọi lúc, mọi nơi, ngày nay qua ngày khác... Khán giả ngày nay có điều kiện trải nghiệm đủ loại hình thức giải trí trong và ngoài nước, nên đã thông minh hơn nhiều, trình độ thưởng thức nghệ thuật cũng lên một tầm cao mới, nên không phải muốn làm phim thế nào cũng được. Sự cẩu thả, dễ dãi của nhà làm phim cho thấy sự thiếu tôn trọng khán giả.
>> Phim Việt bội thực hình ảnh người mẹ tàn độc
Điểm sáng duy nhất của các bộ phim Việt hóa bây giờ có lẽ là dàn diễn viên tài năng. Đây cũng chính là thứ níu kéo tôi kiên nhẫn ở lại với các tác phẩm đến giờ này. Và tôi tin nhiều người cũng đồng tình với suy nghĩ đó. Tiếc là khả năng diễn xuất của họ cũng vẫn không đủ để che đi những yếu kém của kịch bản, vốn đã quá tệ so với kỳ vọng của người xem. Ai đời một tập phim chỉ có 30 phút nhưng một cuộc hội thoại trong quán cà phê lại kéo dài lê thê đến 10 phút đồng hồ mà chẳng giải quyết được vấn đề gì? Nhiều khi tôi vẫn ước rằng, giá mà các đạo diễn cứ bê nguyên kịch bản gốc về, dịch lời thoại ra tiếng Việt rồi để diễn viên đóng, có khi còn hay hơn "vẽ hươu, vẽ vượn" rồi chẳng đến đâu cả.
Cuối cùng, một bộ phim hay là phải kết hợp được đầy đủ tất cả các yếu tố hỷ, nộ, ái, ố; có bi, có hài; có niềm vui, đau khổ rồi mới tìm được hạnh phúc. Nhưng cứ nhìn lại các bộ phim truyền hình Việt đang công chiếu, chúng ta sẽ thấy một sự thiếu cân bằng trầm trọng, khi chúng hầu hết được phủ lên một tấm màn u tối với chỉ toàn tư thù, đố kỵ, toan tính, hiểm độc. Có thể một mặt điều đó sẽ giúp bộ phim đẩy được kịch tính lên cao hơn. Nhưng mặt khác, nó lại khiến người xem thêm mệt mỏi, chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống. Vậy giá trị đọng lại sau khi bộ phim kết thúc là gì? Khiến người xem thỏa mãn hay chỉ gieo vào họ những bức bối, khó chịu?
Có lẽ, quyết định sau cùng vẫn nằm ở phía những người làm phim. Họ buộc phải lựa chọn giữa một bên là cảm xúc của khán giả và bên kia là lợi ích về kinh tế. Trong một nền điện ảnh thị trường, không dễ để người ta tìm được mẫu số chung, dung hòa được cả hai bên lợi ích. Nhà làm phim muốn tồn tại, đương nhiên phải kiếm được tiền. Nhưng không có nghĩa chúng ta là được phép làm phim dễ dãi, coi thường người xem, đặt lợi ích kinh tế lên trên tất cả. Bởi sau cùng, chẳng có thứ gì nghệ thuật "mỳ ăn liền" nào đủ sức giữ chân được công chúng. Mà niềm tin một khi đã đánh mất rồi, sẽ rất khó để lấy lại được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.