"Những câu chuyện bi kịch, mâu thuẫn như trên phim Việt thực tế chẳng thiếu ngoài đời. Ngày nay, chúng ta xem phim nhưng lại muốn kịch bản phải đẹp theo ý mình. Như vậy chẳng khác nào cố trốn tránh, không muốn đối diện với sự thật, tô hồng hiện thực xã hội. Tôi thấy những ông bố, bà mẹ hà khắc, tàn nhẫn như trên phim đâu có thiếu ngoài đời, nhất là tầng lớp gia đình có học thức, địa vị ở các thành phố lớn. Ý định tự tử của những đứa con trong hoàn cảnh ấy cũng là hoàn toàn là có thật chứ không phải phim tạo kịch tính vô lý.
Với tôi, phim mà vẽ nên một xã hội tươi đẹp, ảo mộng, xa rời thực tế thì chỉ có phim ngôn tình. Thử so sánh tác phẩm "Ký sinh trùng" với các phim ngôn tình, thần tượng khác của Hàn Quốc xem nó đã thành công đến mức nào?
Chị đồng nghiệp tôi có một đứa con trai đang học lớp 5. Sáng nay, chị kể, tối qua xem xong tình tiết tự tử trong 'Hãy nói lời yêu', chị đã chạy ngay lên phòng và nằm ôm con một lúc - điều mà chắc có lẽ hàng năm rồi chị chưa làm. Con chị cũng ngơ ngác vì cháu đã lớn rồi, lâu lắm mẹ mới tình cảm với mình thế.
Hóa ra phim đã khiến người ta hiểu được giá trị thực sự của gia đình là gì, và khiến người xem biết cái gì là thứ không bao giờ được đánh mất, ấy chính là đứa con. Đấy, vậy chẳng phải là ý nghĩa tích cực của phim Việt đó sao?".
Đó là chia sẻ của độc giả Lê Minh xung quanh những ý kiến cho rằng nội dung của phim truyền hình Việt hiện nay "kịch tính đến phi lý". Thời gian qua, nhiều khán giả lên tiếng chê nội dung kịch bản của các bộ phim truyền hình trong nước cài cắm quá nhiều tình tiết "drama", đầy rẫy tiêu cực, thậm chí đến mức vô lý nhưng lại giải quyết không thỏa đáng.
Tuy nhiên, với cái nhìn tích cực, bạn đọc Nguyen Son lại chỉ ra những mặt đáng khen của phim Việt: "Phim truyền hình luôn là những bộ phim phản ánh thực đời sống thường ngày của xa hội. Cá nhân tôi là một người rất thích và hâm mộ. Công lao của những người làm phim là cho khán giả xem xét và suy ngẫm một phần cuộc sống thực tế của xã hội sau những màn nhung lụa màu mè, lấp lánh.
Đời thực còn nhiều cảnh thậm tệ hơn trên phim nhiều. Nên tôi không hiểu sao lại có những nhận xét chê bai các phim hiện nay? Phải hiểu được điều đó, người xem mới thấy phim có giá trị thế nào khi muốn hướng con người tới những giá trị tốt đẹp hơn, hoặc là những bài học cho một số người đang sống và có những lối suy nghĩ thiếu tích cực trong cuộc sống hiện tại. Mong các bạn sẽ nhìn và đánh giá phim Việt theo một hướng khác".
Cho rằng phim Việt phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, độc giả HVuong8888 khẳng định: "Phim Việt giờ phản ánh đúng, sát cuộc sống hiện tại. Chẳng lẽ chúng ta cứ bắt chị em diễn viên đầu tư trang phục phải là áo bà ba, kín cổng cao tường sao? Cứ thử đem so sánh phim Việt cách đây 10-15 năm so với hiện tại thì phim nào hay hơn: từ nhân vật, trang phục, nội dung...?
Tất nhiên là không thể đòi hỏi tất cả phim Việt hiện tại phải hay được, vì điều đó là bất khả thi. Mọi người chỉ xem phim nước ngoài rồi chê bôi phim Việt, nhưng đâu có biết các phim nước ngoài được chiếu khắp nơi trên thế giới toàn là những phim hay, chất lượng. Trong khi họ cũng có không ít các phim dở khác mà chúng ta chưa biết đến. Theo tôi, phim Việt giờ khá thành công khi thay đổi rất nhiều".
>> Những bộ phim Việt kịch tính đến phi lý
Phim Việt thời gian qua luôn bị khán giả chỉ trích vì kịch bản thiếu hấp dẫn, đẩy kịch tính quá đà, diễn xuất gượng gạo, lời thoại khô cứng. Tuy nhiên, thực tế, số lượng người theo dõi phim truyền hình gần đây tăng đáng kể. Nhiều bộ phim còn xác lập kỷ lục về số người xem trực tuyến cao nhất lịch sử như trường hợp của "Cây táo nở hoa".
Cũng nhận định việc lựa chọn khai thác những mặt tiêu cực trong xã hội là không sai, nhưng bạn đọc Tran Quang Minh lại cho rằng việc xử lý đề tài của phim Việt lại khá dễ dãi: "Những vấn đề trong cuộc sống, dù là cái xấu (ghen tuông, phản bội, trả thù...) hay cái tốt (tình yêu, niềm tin, sự cao cả...), theo tôi đều xứng đáng được phản ánh lên màn ảnh. Thế nhưng, chỉ là người đạo diễn và diễn viên có đủ năng lực và tâm huyết để thể hiện từng góc cạnh cuộc sống đó một cách sâu sắc, khiến người xem có những cảm xúc lắng đọng, để lại những trăn trở về cuộc sống sau khi xem hay không?
Đối với tôi, khi muốn xem các tác phẩm điện ảnh hay, tôi đều lựa chọn các bộ phi của Holywood, có điểm Imdb cao. Còn phim Việt để đạt tới tầm này thì chắc còn rất lâu, vì sự phát triển của điện ảnh còn phụ thuộc lớn vào sự phát triển về cảm nhận của người thưởng thức. Nếu làm phim có chiều sâu với nhiều giá trị ẩn bên trong, mà không có ai xem, thì nhà sản xuất sẽ lỗ nặng.
Tôi nhiều lần bị dụ xem phim Việt, đều đánh giá phim Việt bây giờ chỉ nhắm vào các đối tượng cảm nhận điện ảnh dễ dãi, mọi giá trị nhân văn (nếu có) thường phơi bày cộc lốc, các tình tiết mang lại điểm nhấn thường hướng tới hài nhảm thay vì gài vào những chi tiết khiến người xem dằn vặt suy tư. Diễn viên cũng khó đạt được diễn xuất nhằm lột tả nội tâm sâu sắc của nhân vật trong kịch bản. Ngoài ra, phim Việt giờ sử dụng quá mức sự nhí nhố, quần áo lượt là quá mức; diễn viên mặt căng da bóng, khó diễn đạt được những giá trị sâu sắc của tác phẩm".
Nói về vấn đề này, bạn đọc Huy Le chỉ ra những vấn đề của phim truyền hình Việt: "Không thể phủ nhận, phim Việt những năm gần đây có nhiều bước chuyển lớn, ngày càng chuyên nghiệp, cảnh quay đẹp, diễn viên chính lẫn phụ đều không thua kém diễn viên Hàn Quốc, Hong Kong. Cột mốc đánh dấu bước chuyển lớn nhất mà tôi thấy đó là bắt đầu từ phim "Tuổi thanh xuân", "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử"...
Tuy nhiên, điểm dở mà tôi thấy có ở hầu hết các phim, đó là khúc đầu cực kỳ lôi cuốn nhưng càng đến cuối, kịch bản lại càng dài lê thê, hoặc kết phim lủng củng, không giải quyết trọn vẹn vấn đề trong cuộc đời các nhân vật, cứ như bị thiếu kinh phí buộc phải đóng máy hoặc cạn kiệt về ý tưởng vậy. Điển hình như phim "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử", "Về nhà đi con", "Hướng dương ngược nắng", "Sinh tử"... đều gặp phải vấn đề này.
Thêm vào đó, các phim cũng thiếu đi yếu tố văn hóa Việt liên quan đến ẩm thực, mà điều này ta có thể học hỏi cách làm từ phim của Hàn Quốc hay Hong Kong. Hy vọng, dần dần các phim sau có thể khắc phục được những hạn chế đó".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.