Ra mắt từ giữa tháng 5, tác phẩm gây chú ý khi là một trong những dự án điện ảnh Việt có kinh phí lớn nhất từ đầu năm, với con số đầu tư do nhà sản xuất công bố. Sau 15 ngày chiếu, theo Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim không chạm nổi mốc một tỷ. Đại diện nhà phát hành chưa công bố số liệu, cho biết doanh thu của phim chỉ chênh lệch 10% so với con số Box Office cung cấp. Đến ngày 27/5, tại hệ thống CGV, Galaxy, phim không còn suất, dần bị rút khỏi các cụm rạp khác.
* Lý do nhiều phim Việt lỗ nặng
Phim Lý Nhã Kỳ không phải tác phẩm duy nhất đầu tư lớn nhưng "chết yểu". 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) ra rạp sau Kẻ thứ ba một tuần. Được công bố kinh phí 60 tỷ đồng, sau một tuần, phim thu về khoảng ba tỷ - theo số liệu của Box Office. Trên website các cụm rạp, phim đang chịu sức ép lớn với số suất chiếu ngày càng ít ỏi. Ngày 27/5, phim chỉ có một suất ở mỗi rạp của CGV tại TP HCM.
Nhiều phim Việt khác cũng chịu chung tình trạng thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, thị trường điện ảnh trong nước dần khôi phục. Hàng chục dự án liên tiếp ra rạp, đánh dấu giai đoạn phòng vé sôi động nhất sau hơn hai năm dịch bệnh. Dù vậy, số phim thắng về doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong nửa đầu năm, Bẫy ngọt ngào - phim 18+ Minh Hằng đồng sản xuất - dẫn đầu với khoảng 87 tỷ đồng, kế tiếp là Nghề siêu dễ (72 tỷ), Chìa khóa trăm tỷ (70 tỷ), Chuyện ma gần nhà (62 tỷ). Còn lại, nhiều phim thất bại khi vừa ra mắt như Mến gái miền Tây (8 tỷ), Người lắng nghe (2,5 tỷ), Người tình (1,2 tỷ)...
Khâu nội dung nhạt, diễn xuất kém dẫn đến tình trạng loạt phim ế ẩm. Kẻ thứ ba chọn câu chuyện người chồng nỗ lực thay đổi quá khứ để ngăn vụ tai nạn khiến vợ qua đời. Phim có ý tưởng khởi đầu tốt với môtíp xuyên không, phần hình ảnh giàu chất điện ảnh qua bàn tay đạo diễn Hàn Quốc Park Hee Joon. Dù vậy, phim vấp phải điểm trừ nặng ở diễn xuất của Lý Nhã Kỳ. Diễn viên mang biểu cảm nhạt nhòa, thiếu tương tác với nam chính. Giọng nói đều đều, ít nhấn nhá của cô khiến phân cảnh thiếu tính khơi gợi cảm xúc. Ở những cảnh bi, sự lo âu, hốt hoảng xen lẫn phẫn uất của nhân vật bị kìm lại bởi lối thoại thiếu kiểm soát, cách phát âm đôi chỗ còn ngọng, đớt.
Tác phẩm còn yếu về cốt truyện với một đường dây kịch bản bất hợp lý. Ở hồi cuối, nhân vật người vợ (Lý Nhã Kỳ) lộ âm mưu muốn cứu nhân tình cũ. Tình tiết này được giải thích gượng gạo, gây cảm giác thiếu thuyết phục người xem. Nhiều tuyến phụ - như vai của Kim Tuyến - bị bỏ lỡ, khiến câu chuyện khó đọng lại với khán giả.
Tương tự, 578 nhạt nhòa về diễn xuất vì chủ yếu tập trung ở khâu hành động. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, H'Hen Niê - vai trinh sát Bảo Vy - có tạo hình mạnh mẽ, gợi cảm nhưng không có thời lượng để phát huy diễn xuất. Những cảnh cô góp mặt chủ yếu mang tính tạo dáng, lai lịch, xuất thân của nhân vật không được khai thác kỹ lưỡng, gây thắc mắc cho người xem.
Ngoài H'Hen Niê, dàn diễn viên còn lại cũng mắc điểm trừ ở lời thoại ngô nghê, văn vở. Tuyến truyện về nạn ấu dâm - chủ đề tác phẩm - chưa được khai thác rõ nét. Suốt 106 phút, câu chuyện người cha trả thù cho con gái - nạn nhân một vụ bạo hành - rời rạc, thiếu tính liền mạch. Khâu biên tập, chuyển cảnh của phim còn chắp vá, cắt dựng không hợp lý.
Đa số phim thua lỗ có hiệu ứng truyền miệng kém. Đạo diễn Charlie Nguyễn đánh giá, trong thời đại truyền thông mạng xã hội lên ngôi, hiệu ứng lan truyền từ khán giả quyết định số phận của tác phẩm. Nếu hơn 10 năm trước, phim thành công chủ yếu dựa vào ngôi sao phòng vé, hiện đánh giá của công chúng đóng vai trò rõ nét hơn.
"Sau đại dịch, khán giả có thói quen chọn phim kỹ lưỡng. Họ có xu hướng nghe theo lời khuyên của bạn bè, người quen đã xem trước đó, từ đó hình thành những 'filter' (màng lọc) đánh giá. Điều này càng dễ nhận ra qua các bài viết bình phim được chia sẻ trên những nền tảng công nghệ", Charlie Nguyễn nói.
Nhà sản xuất phản ứng khác nhau khi phim thua lỗ. Lý Nhã Kỳ nói không kỳ vọng nhiều về doanh thu tác phẩm. Cô ban đầu góp mặt với vai trò diễn viên, sau đó bỏ ra 33 tỷ đồng mua lại dự án vì nhà đầu tư cũ vỡ nợ. Cô cho biết nỗ lực đưa phim ra rạp vì không muốn bỏ phí công sức hàng trăm thành viên trong êkíp.
Còn Lương Đình Dũng tiếc vì phim chưa được đón nhận tích cực như mong muốn. Đạo diễn lý giải 578 có bước khởi đầu kém một phần vì chưa có suất chiếu tốt. Theo đạo diễn, trong khoảng 1.000 suất của phim, chỉ khoảng một nửa được bố trí ở các khung giờ đẹp, khán giả dễ tiếp cận.
Nhiều nhà làm phim nhìn thẳng vào thất bại, xem đó là bài học làm nghề. Võ Đăng Khoa - diễn viên chính, đồng sản xuất Mến gái miền Tây - cho biết dùng tiền tích góp suốt 8 năm theo nghề để ra phim điện ảnh đầu tay. Sau dự án, anh lắng nghe các ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp, khán giả, ấp ủ ý tưởng cho tác phẩm tiếp theo.
Sau phim Người lắng nghe, đạo diễn Khoa Nguyễn xin lỗi êkíp, nhận trách nhiệm ở bản thân. Anh nói: "Ba năm thực hiện tác phẩm, tôi biết phim mình hay, dở ở đâu, do đó chuyện doanh thu thấp đã nằm trong dự liệu. Hành trình với Người lắng nghe đã mang cho tôi nhiều bài học giá trị. Tôi sẽ rút kinh nghiệm kỹ cho tác phẩm thứ hai".
Mai Nhật