Điện ảnh Hàn Quốc thời gian gần đây liên tục tạo nên tiếng vang lớn trên sân chơi phim truyền hình với hai bộ phim lập kỷ lục lượt xem trên Netflix. Đó là "Squid Game" (Trò chơi con mực) và mới đây là "Hellbound" (Bản án từ địa ngục). Điều gì đã làm nên sức hút khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu của những tác phẩm này? Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất chính là sự mới mẻ trong nội dung và hình thức thể hiện. Điều này hoàn toàn khác với những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng thuần túy vốn làm nên thương hiệu của phim truyền hình Hàn Quốc ở thế kỷ trước.
Trong khi đó, nhìn sang những bộ phim truyền hình Việt Nam đang công chiếu, một người ghiền phim như tôi không khỏi ngán ngẩm. Chúng ta có gì sau hàng chục năm phát triển nền điện ảnh nước nhà? Những bộ phim chiếu trên khung giờ vàng vẫn quanh đi quẩn lại những đề tài cũ rích như: mẹ chồng - nàng dâu; tình yêu tay ba, tay bốn; xung đột gia đình... Nói không quá, xem phim truyền hình Việt bây giờ, chẳng khác nào phim Hàn Quốc những năm 90. Đó là chưa kể phần lớn trong số đó là chúng ta chuyển thể lại từ kịch bản của nước ngoài, chứ lượng phim thuần Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa bàn đến chất lượng.
Những nhà làm phim Việt dường như chỉ muốn làm những bộ phim theo kiểu ăn liền, hời hợt, nặng về khóc lóc, kể lể, thật như ngoài đời, để khơi gợi cái gọi là lòng thương, sự đồng cảm, dễ xem dễ hiểu của đại bộ phận khán giả. Chủ đề đã vậy, các thể hiện của phim Việt cũng hết sức một màu, trắng đen rõ ràng, thiện ác phân minh. Mô típ cái ác lấn át hoàn toàn, đẩy cái thiện vào tận cùng đau khổ, bế tắc, rồi cuối cùng vẫn là một cái kết có hậu, dường như diễn ra ở mọi bộ phim Việt. Đến mức, chẳng cần theo dõi hết phim, khán giả cũng có thể đoán trước được cái kết sẽ thế nào. Nói chung, đó là những sản phẩm an toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Để thu hút người xem vào những bộ phim "cũ rích" ấy, nhà làm phim Việt phải tô vẽ thêm bằng những tình tiết kịch tính đến phi lý, làm rối rắm thêm kịch bản, thuê thêm vài ngôi sao ăn khách làm diễn viên, ném vào thêm vài đoạn hài nhảm, sốc, hở... Với một "nồi lẩu thập cẩm" như vậy, chẳng bất ngờ khi khán giả Việt - những "thực khách" ngày một khó tính, với trình độ cảm thụ nghệ thuật tăng dần do được tiếp cận với điện ảnh thế giới - cũng dần quay lưng với phim Việt.
>> 'Phim Việt 30 năm trước hay hơn bây giờ'
Hãy nhìn hai ví dụ điển hình của điện ảnh Hàn Quốc là "Squid Game" và "Hellbound", dù vẫn đề cập đến những đề tài muôn thuở, không hề mới trong xã hội hiện đại là khoảng cách giàu nghèo và tôn giáo biến tướng, nhưng các thể hiện của các nhà làm phim lại vô cùng độc đáo. Họ sử dụng những nguyên liệu rất đỗi thân thuộc như các trò chơi dân gian, các bài hát thiếu nhi, nhưng lại sáng tạo ra cả một cuộc chơi sinh tồn ngoài sức tưởng tượng, khiến người xem không thể rời mắt, thay vì chỉ than nghèo, kể khổ như bình thường. Họ sử dụng những hiện tượng siêu nhiên, thể loại viễn tưởng để đề cập tới một vấn đề rất nhạy cảm như tôn giáo một cách khéo léo, vừa tinh tế lại không gây phản cảm.
Chính những sáng tạo có một không hai, mang tầm vóc Hollywood ấy đã khiến các bộ phim trên vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, và chinh phục cả những khán giả quốc tế vốn đã quá quen thuộc với những tác phẩm "bom tấn" của Mỹ. Rõ ràng, sự cởi mở, hội nhập đã đem đến cho điện ảnh Hàn Quốc một bước tiến lớn, một sự lột xác hoàn toàn, nối tiếp thành công của hiện tượng "Ký sinh trùng" cách đây không lâu. Điều đó cho thấy người Hàn Quốc đã biết tận dụng những bước đệm ban đầu để nâng tầm cả một nền điện ảnh nước nhà, cho thấy một tư duy dám nghĩ, dám làm. Kết quả họ đã thành công thế nào, có lẽ chúng ta không cần nói thêm nữa.
Trong khi đó, tại sao người Việt không làm những bộ phim khác biệt, sáng tạo về thể loại và cách thể hiện như vậy? Phải chăng chúng ta không đủ sức, thiếu nhân tài? Đó có thể cũng là một lý do. Tuy nhiên tôi cho rằng không phải gốc rễ của vấn đề. Đơn giản là vì chúng ta chưa tạo được môi trường, điều kiện để thúc đẩy người làm phim sáng tạo và thể hiện góc nhìn mới lạ của mình. Điều đó đến từ sự kiểm duyệt ngặt nghèo.
>> Phim Việt nhàm chán vì mô-típ 'thiện ngu ngốc, ác tận cùng'
Có thể thấy, các quy định hiện hành trong việc kiểm duyệt phim ảnh của chúng ta vẫn quá khắt khe, bó buộc, khuôn mẫu, làm giới hạn sức sáng tạo của các biên kịch, đạo diễn trong quá trình sáng tác. Chẳng ai muốn làm ra một bộ phim mới lạ để rồi bị cắt chỗ nọ, xén chỗ kia, thậm chí bị cấm chiếu chỉ vì các lý do như "nhiều cảnh bạo lực", "gây tác động không tốt cho hành vi người xem"... Điện ảnh thế giới đã có những giới hạn rất rõ ràng bằng việc dán nhãn quy định độ tuổi người xem để phân loại phim. Còn ta vẫn đi vào lối mòn phim phải "sạch sẽ" để từ trẻ em tới người già đều xem được. Kết quả là chúng ta cho ra lò những bộ phim tệ từ nội dung đến hình thức.
Thật ra, phim châu Á nói chung vẫn luôn mang triết lý nặng nề và ham ngôn tình, phải bám sát với đời thực. Trong khi đó, phim Mỹ lại rất thoáng và không đặt nặng các tiểu tiết, tư tưởng như vậy. Hollywood có hẳn một dòng phim thuần giải trí, không cần "đao to búa lón", rao giảng đạo lý, giải quyết vấn đề nhanh gọn, không làm mất thời gian của người xem. Đó chính là công thức làm nên thành công của phim Mỹ mà điện ảnh Hàn Quốc đang tích cực học hỏi để đạt được thành công.
Có lẽ, đã đến lúc những người làm phim và các nhà quản lý điện ảnh Việt cần một sự thay đổi toàn diện về tư duy. Điện ảnh nước nhà sẽ khó cất cánh nếu chúng ta cứ mãi quanh quẩn với lối mòn suy nghĩ cũ kỹ từ cách đây hàng chục năm. Tôi mong một ngày được thấy những tác phẩm đột phá như "Squid Game" hay "Hellbound" trên màn ảnh Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.