Đầu tiên, về câu hỏi văn hóa giải trí, phim ảnh có tác động đến tình trạng tội phạm không? Chắc chắn là có, thậm chí rất nhiều là đằng khác. Nhưng nếu chỉ xét riêng bản thân một bộ phim "Người phán xử" có phải nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm gia tăng hay không, thì lại là chuyện khác. Vấn đề này cần phải có nghiên cứu cụ thế chứ không thể chỉ nhận định vội vàng.
Mỗi hành động của con người đều bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng, văn hóa, trình độ, cho nên việc chấn chỉnh hoạt động làm phim là nhiệm vụ đúng đắn và rất cần thiết.
Phải nhìn nhận thực tế rằng, phim Việt không hay, không phải do bị bó buộc bởi khuôn khổ, không phải vì bị cắt cảnh nóng, cảnh bạo lực, mà là do thiếu tính sáng tạo, thiếu tài năng của người làm phim. Vì nội dung phim không hay nên các nhà sản xuất chuyển sang "câu khách" bằng xu hướng thị trường hóa. Cụ thể là đưa các yếu tố sính ngoại, sành điệu, theo trend, tình dục, bạo lực... vào phim. Cùng với đó, phim Việt liên tục sử dụng hình ảnh người mẫu, hot girl, hot boy, người nổi tiếng vào các vai diễn để thu hút người xem.
Những điều đó có thể giúp tăng lượng người xem nhất thời, nhưng không thể đem lại giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Ở đây, vấn đề lớn nhất của phim Việt vẫn là: thiếu sáng tạo, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tài năng... Việc chạy theo thị trường, theo thị yếu khán giả khiến các bộ phim của chúng ta đi vào lối mòn. Thế nên, khi bị kiểm soát chặt chẽ hơn, các làm phim dễ dãi, "mì ăn liền" đương nhiên sẽ dễ rơi vào khó khăn.
>> Quản lý phim bạo lực bằng dán nhãn
Tất nhiên, chẳng ai bắt người làm phim phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố xã hội cả. Nhưng đưa vào phim như thế nào mới là vấn đề quyết định. Nếu tội phạm lên phim vẫn sống sành điệu, ăn chơi hưởng thụ, mà không có những day dứt lương tâm, không thấy nỗi đau của nạn nhân, không bị trừng phạt, không hối lỗi... thì sẽ làm xã hội hiểu sai về tội phạm. Và rất nhiều người đang nhầm lẫn về điều này.
Chúng ta đề cập đến phim "Bố già" thành công như thế nào, nhưng lại chưa rõ những chi tiết đắt giá nhất của phim và truyện. Ví dụ, trùm mafia bị bắn suýt chết ngoài đường. Tội ác của ông ta thể hiện rất rõ qua nhân vật đồ tể hung thần Luca Brasi, hoặc ông ta đứng hình câm nín khi con trai cả nói "Bố giết Phanuchi, con biết". Hay việc ông ta phải trả giá bằng mạng sống của con trai, không thể dạy dỗ hay ngăn cản nó vào giang hồ... Những điều này, nếu đạo diễn chưa hiểu hết được, thì phim không hay, khiến người xem hiểu sai vấn đề là chuyện đương nhiên.
Một khía cạnh khác, phim Việt cũng không nên cố chạy đua sính ngoại theo kiểu nước ngoài, bởi chắc chắn chúng ta sẽ không thể bằng họ được. Người Việt đón nhận phim Việt chủ yếu vì có nội dung gần gũi với cuộc sống, tâm hồn. Đây chính là điểm giúp các bộ phim trong nước cạnh tranh được với phim ngoại, thế nhưng tôi chưa mấy nhà làm phim thời nay làm được. Thậm chí, nếu đánh giá một cách khắt khe, có thể thấy phim Việt bây giờ có phần còn thua kém cả những phim của 30-40 năm trước.
Cho ý kiến về những điều cấm trong hoạt động phim ảnh quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, như phạm tội nhưng không bị xử lý, sống ích kỷ; phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.
"Điển hình như mới đây VTV1 chiếu phim Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?", thiếu tướng Lê Tấn Tới nêu ví dụ.
>> Bạn nghĩ sao về đề xuất 'cấm phim cổ xúy vi phạm pháp luật'? Gửi bài tại đây.Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.