Có một thực tế hiện nay là phim truyền hình Việt liên tiếp nhau phát sóng nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những đề tài cũ kỹ: thương trường, ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, tình tay ba... Tôi nghĩ hiện thực của xã hội Việt Nam hôm nay với đầy rẫy các mâu thuẫn là cả một kho đề tài vô tận, là mảnh đất phì nhiêu để các nhà biên kịch khai thác. Nhưng để có một kịch bản hay, họ phải quan sát đủ nhiều và hiểu biết đủ rộng về các vấn đề xã hội một cách sâu sắc. Một biên kịch giỏi sẽ sáng tạo ra một kịch bản hay, nhưng dạo qua một vòng các phim truyền hình Việt hiện nay, tôi cho rằng vẫn còn yếu và thiếu. Xem phim Việt bây giờ, không khó để khán giả nhận ra sự hời hợt, xa rời cuộc sống trong kịch bản.
Các phim truyền hình Việt liên tục "vẽ" ra quá nhiều tình tiết nghịch cảnh, đẩy kịch tính lên đến mức phi lý. Không thể phủ nhận những cao trào này gây ấn tượng mạnh với người xem, thiết lập nên nhiều kỷ lục mới (tập 33 của "Cây táo nở hoa" đã có hơn 204 nghìn lượt xem, trở thành phim truyền hình Việt có lượt xem công chiếu cùng lúc trên Youtube cao nhất mọi thời đại), nhưng việc để tai họa đến dồn dập, nhân vật bị dồn đến tận cùng nỗi đau, hay phản diện ác đến rợn người... khiến khán giả mệt mỏi, bức bối. Nếu lấy giá trị giải trí, thư giãn làm tiêu chuẩn đánh giá phim truyền hình Việt thì không ngoa khi nói các tác phẩm bây giờ hoàn toàn gây thất vọng, thậm chí còn khiến người ta xem xong phim cảm thấy bực mình và căng thẳng hơn.
Việc diễn biến phim cài cắm quá nhiều tình tiết "drama", thậm chí đến mức vô lý nhưng lại giải quyết không thỏa đáng hoặc qua loa khiến giá trị của bộ phim bị giảm hẳn. Có vẻ nhưng các nhà làm phim quá tham kịch tính, đẩy cao trào mà quên đi cảm xúc của người xem. Đâu phải cứ phim càng nhiều drama thì mới là hay? Một kịch bản hay phải vừa hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo có lý, có tình, giải quyết thỏa đáng những vấn đề đặt ra, chứ không phải chỉ suốt ngày đánh ghen, chửi bới, đe dọa...
Nói thêm về lời thoại trên các bộ phim truyền hình Việt gần đây, tôi thực sự thấy bội thực với những câu chửi: chồng chửi vợ, mẹ chửi con, vợ chửi bồ, mẹ chồng chửi con dâu, xã hội đen chửi nhau... Nọi thực, tôi chẳng dám để đứa con gái bảy tuổi của mình ngồi xem phim cùng vì không muốn con chẳng may nghe phải những câu chửi rất bỗ bã (mà theo nhiều người lại khen là "rất đời") ấy trên truyền hình. Tôi tự hỏi, chửi bới hay cãi lộn có làm nên giá trị nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh?
Người xem sẽ đọng lại những gì cao đẹp sau khi xem phim hay chỉ văng vẳng trong đầu những câu chửi rủa? Cả ngày đi làm về đã áp lực, mệt mỏi, bạn sẽ muốn yên tĩnh nghỉ ngơi hay xem một bộ phim toàn chửi rủa, sỉ nhục nhau?
>> Phim Việt bội thực hình ảnh người mẹ tàn độc
Gần 10 năm nay, tôi dường như không xem được một bộ phim truyền hình Việt Nam nào trọn vẹn từ đầu đến cuối. Một phần vì có những phim quá dài (lên tới hàng trăm tập), phần khác vì nội dung lê thê, tràn ngập cách tình huống drama bị đẩy lên quá đà. Thế nên, xem được vài tập đầu là tôi bỏ vì không muốn thêm áp lực, bức bối khi xem phim. Có thể mỗi người có một gu thưởng thức khác nhau, nhưng các nhân tôi cho rằng, việc làm dụng kịch tính không khiến phim Việt tạo nên màu sắc riêng mà chỉ là những hiệu ứng nhất thời, dễ dàng trôi tuột theo thời gian.
Để kể tên những bộ phim truyền hình Việt sống mãi với thời gia, người ta không thể quên những cái tên như "Của để dành", "Chuyện nhà Mộc", "Sóng ở đáy sông", "Hoa cỏ may"... Tiếc là những tác phẩm đó đã cách đây quá lâu rồi. Còn nhìn về phim Việt hiện tại, có lẽ sẽ chỉ là một tiếng thở dài ngao ngán khi phim nào cũng hao hao nhau từ nội dung, đề tài đến các tình tiết, nhân vật. Để rồi sau khi phim kết thúc, người ta lại chưng hửng tự hỏi: "Mình bỏ ra ngần ấy thời gian cho một phim kết thúc như vậy sao?".
So sánh với một nền điện ảnh được nhiều khán giả Việt yêu thích đó là Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy rất rõ cách biệt. Phim Hàn thành công nhờ tạo được ấn tượng khán giả với hình mẫu trai đẹp, gái xinh, tình yêu lãng mạn như cổ tích dù thực tế chúng cũng chỉ giống 50% ngoài đời là cùng. Nhưng ở các bộ phim của họ, người ta nhìn đề cao giá trị con người: rất đẹp và văn minh. Họ cũng liên tục đổi mới về nội dung kịch bản và cách tiếp cận vấn đề để làm mới mình. Trong khi đó, phim Việt hiện tại đua nhau khắc họa nên những gia đình toàn ngoại tình, đánh ghen, lừa đảo, bố vũ phu, mẹ độc đoán... gây ấn tượng rất tiêu cực về văn hóa và xã hội Việt.
Tất nhiên, mọi so sánh đều chỉ là khập khiễng, những tôi mong sẽ có những siết chặt trong công tác kiểm duyệt, đánh giá chất lượng phim truyền hình Việt để hạn chế những tác phẩm thiếu đầu tư và lệch chuẩn như hiện tại. Có điều, đó là chuyện của tương lai, còn giờ, khán giả Việt sẽ vẫn phải chấp nhận thực đơn tinh thần mỗi tối với các "món ăn" một màu u tối, nhìn ngon mà khó nuốt.
Văn Cường
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.