Tình trạng này từng xuất hiện 55 năm trước, khi bà Xuân sinh con thứ 8. Lúc đó, khối sa nhỏ, tự co đẩy vào trong âm đạo, bà không đi khám. Tháng trước, khối phồng to ở âm đạo kèm bí tiểu, đau buốt khi đi vệ sinh.
Ngày 23/12, ThS. BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết người bệnh bị sa tử cung và bàng quang độ 3. Hệ thống cơ, dây chằng vùng đáy chậu giãn ra do sinh nở nhiều. Lão hóa còn khiến các cơ quan vùng chậu không giữ được đúng vị trong ổ bụng mà sa xuống âm đạo. Tử cung bị tụt xuống thấp trong âm đạo, người bệnh không được can thiệp sớm nên dần kéo theo sa thành âm đạo, ảnh hưởng đến bàng quang.
"Đây là nguyên nhân khiến bà cụ tiểu buốt, sốt do viêm bàng quang", bác sĩ Thanh Tâm nói, thêm rằng nước tiểu ứ đọng, lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm chức năng hoạt động của thận.
Ca phẫu thuật cho người bệnh cao tuổi thường sẽ nhiều rủi ro, có thể ngưng tim. Phản xạ bảo vệ đường thở kém, chức năng thận của người cao tuổi giảm nên khó gây mê hơn. Do đó, người bệnh được kiểm tra sức khỏe tổng quát, đánh giá chức năng tim mạch trước mổ.
Ê kíp quyết định phẫu thuật "3 trong 1" cho cụ Xuân gồm đặt lưới treo tử cung và nâng bàng quang, sửa thành âm đạo, thu hẹp âm đạo.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, trước đây phẫu thuật phụ khoa cho nhóm bệnh nhân lớn tuổi thường khó khăn, nhất là sa nhiều cơ quan như cụ Xuân. Phương pháp điều trị chủ yếu là cắt tử cung, đại phẫu vào trong ổ bụng nên bệnh nhân có nguy cơ chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng nhiều hơn, hậu phẫu nặng nề hơn, nguy cơ có nhiều biến chứng thủng ruột, bàng quang, rò niệu sinh dục và sa tái phát mỏm cắt sau cắt tử cung lên đến 30% khiến người bệnh có thể phải phẫu thuật lại. Hiện, kỹ thuật đặt lưới nâng nhân tạo ít xâm lấn, bệnh nhân nhanh hồi phục, hiệu quả trên 95%.
Với bệnh nhân cao tuổi, cùng lúc thực hiện nhiều phẫu thuật, ê kíp gây mê phải liên tục theo dõi. Ca mổ sử dụng kỹ thuật phức tạp do vị trí giải phẫu vùng sàn chậu có nhiều hệ thống cơ quan, mạch máu lớn dễ xuất huyết, biến chứng như thủng bàng quang, tử cung, ruột.
Cụ Xuân mãn kinh hơn 40 năm, lượng estrogen giảm nhiều, thành âm đạo giãn rộng, teo âm đạo. Bác sĩ dùng tấm lưới nhân tạo thay thế dây chằng lão hóa, đưa tử cung, bàng quang về đúng chỗ và tái tạo lại vùng kín. Bệnh nhân hồi phục nhanh, sau ba ngày mổ, người bệnh xuất viện.
Bệnh sa cơ quan vùng chậu có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế sinh, sinh quá dày, kiêng mang vác vật nặng thường xuyên. Sau sinh, phụ nữ nên đi khám, được đánh giá chức năng sàn chậu. Nhờ đó bác sĩ có thể phát hiện sớm tình trạng, hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống, tập thể dục, ngăn bệnh tiến triển.
Tuệ Diễm
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sinh lý nữ tại đây để bác sĩ giải đáp |