Ngày 15/5, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Minh (50 tuổi, quận 2, TP HCM) có 2 dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục: âm vật to gấp 3 người bình thường, môi âm đạo phì đại. Đây là nguyên nhân khiến chị Minh viêm âm đạo mạn tính.
"Lúc nhỏ tắm chung, tôi nhận thấy vùng kín khác biệt với chị gái. Đến khi lấy chồng, mang thai, sinh con... nó trở thành nỗi ám ảnh. Vì tự ti nên tôi hoãn đi khám", chị Minh kể.
Bác sĩ Thanh Tâm tái tạo cơ quan sinh dục cho chị Minh, mỗi bên âm hộ được cắt bỏ 6-8 cm da thừa. Phương pháp này đảm bảo tính thẩm mỹ, chấm dứt tình trạng viêm nhiễm, cải thiện quan hệ vợ chồng.
Tái tạo bộ phận sinh dục khó vì cơ quan này có nhiều mạch máu nuôi và dây thần kinh cảm giác. Nếu không kiểm soát tốt, sẽ gây biến chứng như nhiễm trùng, mất máu, gây sẹo. Ca phẫu thuật diễn ra trong 30 phút, chị Minh xuất viện trong ngày. Sau phẫu thuật tái tạo âm hộ, chị cần kiêng giao hợp 4-6 tuần.
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết, dị tật phì đại âm hộ có thể được phát hiện khi trẻ sơ sinh chào đời. Bệnh có thể can thiệp chỉnh sửa sớm nhất khi bé gái 2-3 tuổi hoặc vào tuổi học đường. Tuy nhiên việc chỉnh sửa bất thường cấu trúc sinh dục ngoài ở trẻ chỉ thực hiện nếu có biến chứng nhiễm trùng tiểu mạn tính, gây dính bít tắc đường thoát nước tiểu, thận chướng nước hoặc bàng quang thần kinh rối loạn. Trường hợp chị Minh đặc biệt vì bước vào tuổi mãn kinh, cơ vùng kín bị lão hóa nặng, viêm nhiễm sinh dục kéo dài, quan hệ vợ chồng khó khăn mới đi khám bệnh.
Ở trẻ gái có các dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục ngoài thường gặp như: dính âm hộ, phì đại âm vật, âm hộ,... Đặc điểm chung là gây khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ tình dục sau này.
Một số dị tật bẩm sinh này có thể được phát hiện trễ hơn ở tuổi dậy thì. Do đó, phụ huynh nên cho con tham gia tầm soát sớm.
Tuệ Diễm