"Hình thức phạt tù không những ảnh hưởng riêng đối với người vi phạm, mà còn tác động mạnh đến gia đình, doanh nghiệp, xã hội... Ví dụ, nếu ông Giám đốc doanh nghiệp bị phạt tù vì vi phạm nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng đến biết bao nhiêu công nhân, nhân viên của công ty. Đồng ý rằng vi phạm nồng độ là sai, là nguy hiểm, nhưng cách xử lý hình sự là quá mức.
Theo tôi, có thể nghiên cứu tăng nặng mức phạt hành chính, kết hợp với các biện pháp khác như tịch thu bằng lái, buộc người vi phạm vượt qua kỳ thi pháp luật giao thông một cách khó hơn người bình thường nếu muốn thi lại bằng lái. Cũng giống như việc học sinh không làm bài bị thầy cô bắt chép phạt 100 lần vậy - như thế sẽ khiến học sinh ghi nhớ sâu sắc lỗi lầm của bản thân mình".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Trung Đức xung quanh đề xuất đề xuất "xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3), ngay cả khi chưa gây hậu quả" của Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Đề xuất này đang có nhiều tranh luận.
Phản đối việc hình sự hóa trong xử phạt người vi phạm nồng độ cồn, bạn đọc Tiến Dũng Trần cho rằng: "Tôi đánh giá con người ai cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng câu hỏi là, cái giá của sai lầm do việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là bao nhiêu? Thu nhập của người Việt còn thấp, dân trí cũng chưa phải là cao, nếu một lần phạt làm mất cả tháng lương hay bị phạt tù thì liệu có quá nặng nề? Quan trọng nhất ở đây là để người vi phạm biết sai và sửa chữa, điều đó hoàn toàn khác với việc phải gây cho họ đau khổ hay làm ảnh hưởng tới nguồn sống của họ.
Thế nên, cần phân biệt ở đây hành vi là uống rượu bia mà chưa hề gây tai nạn, ảnh hưởng tới sự sống của ai. Nếu họ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ là vấn đề khác. Ngoài ra, tôi cũng ủng hộ pháp luật phải nghiêm minh, nhưng tới mức độ nào thì cần phải cân nhắc thấu đáo".
>> Nhà tôi không sợ thổi nồng độ cồn
Chỉ ra những hạn chế khi áp dụng xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn vượt khung, độc giả Già Làng nhấn mạnh: "Việc hình sự hóa các vi phạm dân sự là không không thực sự cần thiết. Chỉ các sai phạm mang tính hệ thống, mang tính cố tình, có tính toán hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới cần xử lý nghiêm khắc như phạt lao động cưỡng bức, phạt tiền thật nặng, tịch thu phương tiện... Văn hóa Việt Nam luôn hướng tới việc cảm hóa, cho người phạm lỗi có cơ hội sửa chữa sai lầm của bản thân. Chính vì lẽ đó, luật nên được xây dựng theo hướng giáo dục, cảm hóa thay vì trừng phạt".
"Sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn tham gia giao thông thì đương nhiên là vi phạm pháp luật. Vấn đề tranh cãi ở đây có lẽ chỉ là ở khái niệm: "Vi phạm hành chính" hay "phạm tội hình sự", cụ thể là ở việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi và mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Pháp luật ngoài việc ngăn ngừa, răn đe thì còn phải có tính giáo dục, nhân văn. Muốn giáo dục, không phải cứ bỏ tù là người ta sẽ tiến bộ. Nếu vi phạm mà chưa gây ra hậu quả thực tế nào thì có thể áp dụng những cách phạt hành chính kết hợp giáo dục ví dụ như: người vi phạm phải bỏ tiền đi học lại luật giao thông...", bạn đọc Minhkt kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.