Tôi là một người từng cực kỳ bức xúc và kịch liệt phản đối quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe khi nó mới được ban hành. Khi đó, tôi nghĩ rằng mức 0 độ cồn là cực kỳ vô lý vì rất nhiều đồ ăn lên men có thể làm cho hơi thở có nồng độ cồn. Ngoài ra, nếu uống rượu bia ở mức độ thấp, nhưng sau đó uống thuốc giải rượu thì nồng độ cồn vẫn được hạ xuống mức rất thấp, người đó vẫn đủ tỉnh táo để lái xe, vậy có đáng bị phạt không?
Vì vậy, tôi từng nghĩ phải có nghiên cứu kỹ quy định này, ví dụ nồng độ cồn bao nhiêu thì đủ an toàn để lái xe. Đồng thời, khuyến cáo người dân uống bao nhiêu bia, rượu và thuốc giải rượu sau bao nhiêu lâu thì có thể lái xe được. Như vậy sẽ tránh được tai nạn và ảnh hưởng sức khỏe, đồng thời phát triển kinh tế.
Nhưng dần dần, đi nhiều đám tiệc, thấy mọi người thay vì uống bia nay lại chuyển sang uống nước ngọt, nước lọc mà không bị những người khác nói gì, tôi lại cảm thấy vui và muốn ủng hộ quy định mới. Theo tôi, cần duy trì quy định này để thay đổi dần thói quen nhậu của người Việt.
Các nhà máy bia hiện nay vẫn có các sản phẩm "không cồn" có thể thay thế bia, rượu truyền thống, những chỉ có những "bợm nhậu" là chê và không uống. Rõ ràng, đi nhậu để vui chứ không phải để say. Chỉ khi nào 50% lượng bia, rượu tiêu thụ trên thị trường là "không cồn" thì lúc đó chúng ta mới nên nới lỏng dần quy định về nồng độ cồn khi lái xe.
Thế hệ 9X trở về sau đang ngày càng dùng ít rượu, bia, thay vào đó, họ uống nước ngọt, nước trái cây, trà... trong các cuộc vui. Thế nên, quy định cấm người có nồng độ cồn lái xe sẽ nhanh chóng thúc đẩy sự thay đổi của "văn hóa nhậu" của người Việt, chuyển từ uống bia, rượu sang đồ uống không cồn, hay các thức uống tốt cho sức khỏe.
>> 'Nên có vùng đỏ - vùng xanh khi đo nồng độ cồn'
Thói quen nhậu nhẹt ở ta chỉ hình thành từ cách đây khoảng 30 năm đổ lại. Còn nhớ những năm 1990, khi đó giá bia, rượu rất đắt, một chai bia Hà Nội có giá bằng 2-3 kg gạo, nên chỉ dùng trong những dịp quan trọng hoặc đãi khách quý. Uống bia lúc đó được coi là đẳng cấp, quý tộc... Tôi được nghe những người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô về kể rằng bên đó họ được uống bia đến no thì thôi. Những người nhỏ tuổi như tôi lúc đó rất thèm được như vậy.
Trong khi đó, ở ta, đám cưới, đám giỗ chỉ "các cụ bề trên" mới có rượu gạo để uống, còn những người trẻ hầu như không có để uống. Như bố tôi là thế hệ 6X, những năm 1990 cũng không được uống rượu khi ăn đám cưới, đám giỗ.
Đến năm 2000, khi tôi đi học Đại học, giá 1,5 lít bia (của xưởng bia Áp lực Đại học Bách Khoa) là 3.000 đồng, bằng một bữa cơm. Rượu trắng cũng chỉ có giá 5.000 đồng/lít. Thế nên, sinh viên chúng tôi dễ dàng mua bia, rượu uống, chẳng phải vì nó bổ béo gì mà chỉ là thỏa mãn những mong ước "được nhậu cho đã" từ lúc nhỏ mà thôi. Vậy nên, không thể nói rượu bia là văn hóa của người Việt được.
Hiện nay, thế hệ 7X, 8X đang là những người kiếm ra tiền và họ nhậu cũng chỉ để "thỏa mãn mong ước lúc nhỏ" chứ không hẳn là thực tế cảm thấy hay ho gì. Với thế hệ 9X, thậm chí những kỷ niệm vui vẻ của họ là gắn với gà rán, nước ngọt, trà sữa... chứ không phải là các cuộc nhậu nhẹt với rượu bia. Do đó, tôi tin quy định độ cồn bằng 0 hoàn toàn khả thi và sẽ ngày càng đi sâu vào đời sống lành mạnh của người Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.