Kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sửa đổi tại Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, số người uống bia, rượu đã giảm hẳn vì sợ bị cảnh sát giao thông phạt tiền.
Thực tế, trước đây vẫn có những quy định về việc giới hạn uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, hiện nay là cấm tuyệt đối đồ có cồn chứ không còn dừng lại ở giới hạn. Chưa kể, mức xử phạt cũng cao hơn rất nhiều, kịch khung lên đến 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến hai năm với người lái ôtô. Đối với người đi xe máy, mức phạt kịch khung cũng lên đến 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến hai năm. Người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn kịch khung cũng bị phạt tới 600 nghìn đồng.
Bây giờ nói đến thổi nồng độ cồn ai cũng sợ, nhiều người từ chối uống bia, rượu với lý do "sợ bị CSGT xử phạt". Chứng tỏ, sự tuân thủ của người dân là do mức phạt cao chứ chưa hẳn vì lo cho sự an toàn của bản thân. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền mà tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia đã có sự chuyển biến theo hướng được kiểm soát, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, phần đa ý thức người dân mới chỉ dừng lại ở mức độ đối phó với các cơ quan chức năng chứ chưa thực sự hiểu tác hại của việc uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả bản thân và xã hội.
Mọi người trong gia đình tôi tuyệt đối không uống rượu, bia khi lái xe máy, ôtô. Dù có liên hoan hay tham gia sự kiện gì, nếu xác định cần uống rượu, bia, chúng tôi sẽ đi taxi. Dù biết đoạn đường đi từ nhà hàng về nhà không có chốt kiểm soát của CSGT, nhưng tôi cũng không bao giờ uống ngay cả một ngụm bia, chứ đừng nói đến rượu. Bởi tôi không những sợ bị phạt, sợ bị thu giấy phép lái xe, mà còn sợ lái xe gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng của chính mình và người thân.
Chúng tôi cứ nói đùa với nhau rằng: "Nhà mình không sợ thổi". Đơn giản vì chúng tôi luôn đi taxi sau khi uống bia, rượu. Không phải sợ bị phạt tốn tiền, không sợ bị thu giấy phép lái xe, không sợ bị tai nạn. Chúng tôi đã rèn luyện thói quen "uống rượu bia thì không lái xe" cho chính mình.
>> Nặng - nhẹ xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn mức cao
Vấn đề là làm gì để người dân nâng cao ý thức, chủ động không lái xe sau khi sử dụng rượu, bia?
Thứ nhất, cần xây dựng một môi trường pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông; đi liền với đó là những chế tài xử lý mạnh hơn và có tính cưỡng chế. Đồng thời, phải ràng buộc và ngăn chặn khả năng tiếp cận rượu bia một cách dễ dãi như hiện nay. Cần nhìn nhận một người đã uống rượu bia, sử dụng chất kích thích tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm. Do vậy nên nghiên cứu đưa vào Luật Hình sự để có thể ngăn chặn hiệu quả.
Thứ hai, các cơ quan chức năng, liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm về uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông... nhằm tạo thói quen chấp hành pháp luật.
Thứ ba, cần tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông; thông tin về các mức phạt, cũng như hình thức xử lý bổ sung đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng bằng các chương trình hấp dẫn như: biểu diễn hài kịch, ca nhạc truyền hình, nhiếp ảnh, vẽ tranh biếm họa, hội thảo khoa học... Các hoạt động đó sẽ góp phần làm cho văn hóa giao thông ăn sâu vào đời sống của người dân, tạo nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Chúng ta tuyên truyền để người dân không uống rượu, bia khi tham gia giao thông chứ không phải tuyên truyền để người dân tránh CSGT.
Thứ tư, không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia không chỉ là khẩu hiện của người lớn phải đưa vào dạy cho các em học sinh để hình thành thói quen, lối suy nghĩ đúng ngay từ khi còn nhỏ. Trong nhà trường phổ thông, cần tăng các nội dung giáo dục về văn hóa giao thông. Tôi nghĩ, nên tổ chức các buổi chiếu phim về những câu chuyện phía sau tai nạn giao thông do bia, rượu. Những hoạt động này có lẽ sẽ tạo điểm nhấn cảm xúc để các em luôn ghi nhớ không ngồi trên xe người đã sử dụng rượu, bia.
Thứ năm, cộng đồng, gia đình, người thân cần kiên quyết ngăn thành viên đã sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện giao thông, để làm gương cho con cháu.
Thứ sáu, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể cần vận động công chức, viên chức, người lao động chấp hành quy định về an toàn giao thông nói chung và không uống rượu, bia khi tham gia giao thông nói riêng để làm gương trong nhân dân.
Thứ bảy, các quán rượu, bia cũng cần có trách nhiệm với khách hàng của mình. Các quán nên mở thêm dịch vụ trông giữ phương tiện qua đêm hay liên kết với dịch vụ gọi xe công nghệ thuê tài xế đưa về khi đã lỡ uống bia, rượu để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Tóm lại, cần có cuộc vận động toàn xã hội để đẩy lùi hành vi vi phạm này. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi lái xe hãy tự giác làm gương trong gia đình, cơ quan, khu phố với phương châm: "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Đây cũng là biện pháp để mọi người cùng chung tay góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông, những bi kịch gia đình liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Để người tham gia giao thông tự giác nhận thức được hành vi sai trái và có kiến thức, phương pháp để tự điều chỉnh được hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ, việc kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông phải duy trì thường xuyên, tránh làm theo từng đợt cao điểm rồi buông lỏng. Khi đó một thói quen mới sẽ hình thành, và người dân sẽ không chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, ngành chức năng cũng sẽ không còn phải xử lý các đối tượng vi phạm liều lĩnh như hiện nay.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.