Theo tôi, đề xuất này không phải không có cơ sở, nhưng lại một lần nữa thể hiện tư tưởng quá thiên về răn đe của cơ quan quản lý.
Năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao (trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở). Khi ấy, tìm hiểu về chế tài xử phạt đối với hành vi lái xe dưới tác động của nồng độ cồn ở các quốc gia, tôi phát hiện ra chế tài về tài chính của Việt Nam đối với hành vi này không hề nhẹ so với các nước, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người.
Phạt nặng rồi, tại sao lúc đó vi phạm nồng độ cồn vẫn nhan nhản? Đơn giản vì việc thực thi pháp luật không gắt gao như hiện nay. Khoảng 8-9 năm trước, hiếm khi có chuyện dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Nếu vi phạm chưa chắc đã bị xử phạt. Tôi tin rằng, nếu giai đoạn ấy, lực lượng chức năng cũng thực hiện chính sách nghiêm ngặt như bây giờ, việc chấp hành chắc chắn sẽ khác hẳn, có thể không cần phải áp dụng tới Nghị định 100 với mức phạt tăng nhiều lần cùng chính sách nồng độ cồn bằng 0 (Zero Alcohol).
Vấn đề không chỉ nằm ở mức độ nặng của hình phạt mà còn ở việc thực thi pháp luật. Để quy định pháp luật có hiệu quả cần kết hợp chặt chẽ giữa chế tài đủ mạnh và thực thi đủ nghiêm túc, minh bạch.
Tôi lấy ví dụ về một luật có bản chất khá gần với Luật phòng chống tác hại của rượu bia là Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng có quy định cấm hút thuốc ở một số địa điểm. Nhưng do không có lực lượng hành pháp xử phạt, nên tình trạng hút thuốc nơi công cộng vẫn tràn lan, phổ biến. Quy định gần như có cũng như không.
Ngược lại, do sự thực thi quyết liệt của lực lượng CSGT, chính sách nồng độ cồn bằng 0 đã mang lại những chuyển biến tích cực.
Tôi đánh giá chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe, không cần phải tăng cường hình phạt. Điều cốt lõi là vai trò thực thi của cơ quan chức năng. Không nên dựng lên hình ảnh pháp luật là con ngáo ộp với những điều khoản khắt khe quá mức cần thiết. Bởi pháp luật không chỉ là công cụ răn đe, mà còn nên có tính nhân văn và giáo dục.
Những ai đã đọc tác phẩm kinh điển "Những người khốn khổ" của văn hào Pháp Victor Hugo hẳn đều nhớ câu chuyện về Jean Valjean. Người đàn ông này phải ngồi tù 19 năm tù vì ăn cắp một ổ bánh mì cho đứa cháu cháu đã nhịn đói nhiều ngày. Án tù nặng khiến anh thù hận, muốn trả thù đời. Khi ra tù, anh ăn cắp bộ đồ bằng bạc của đức giám mục Myriel, dù đây là người đã cho anh tá túc khi bị xua đuổi. Anh bị bắt lại sau đó nhưng được vị giám mục già cứu thoát bằng cách nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Tình yêu thương của Myriel đã làm cho anh thay đổi, trở thành người thành đạt và được ca ngợi vì những hành động tốt đẹp sau này.
Câu chuyện của Jean Valjean là một minh chứng cho việc cảm hóa, tình yêu thương và giáo dục có thể mang lại sự thay đổi lớn lao trong con người, hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ áp dụng hình phạt nặng răn đe.
Đúng là nhiều nước quy định phạt tù người vi phạm nồng độ cồn. Nhưng với đặc thù còn đề cao yếu tố lý lịch như Việt Nam thì việc đưa một người vào tù là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài không chỉ đến chính bản thân, mà còn cả gia đình họ. Bộ Luật Hình sự của Việt Nam cũng có tư tưởng rất khoan hồng: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác". Vì thế, đưa một người vào tù vì một hậu quả chưa xảy ra là quá nặng.
Ngoài ra, pháp luật đã quy định có nồng độ cồn sẽ là tình tiết tăng nặng khi phạm tội. Tôi cho rằng như vậy đã hợp lý, đảm bảo công bằng. Nếu muốn có hình phạt bổ sung cho vi phạm nồng độ cồn khi chưa có hậu quả nên chăng là hình thức nhân văn, có tính giáo dục hơn như phạt lao động công ích, thay vì xử lý hình sự.
Cũng cần lưu ý, việc các quốc gia phạt tù khi lái xe dưới tác động của rượu bia cũng phụ thuộc vào số lần tái phạm, tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra. Không phải cứ lái xe dưới tác động của rượu bia (dù ở mức nghiêm trọng) là phạt tù. Trong trường hợp chưa gây ra hậu quả, mức phạt ngồi tù nhẹ nhất ở Mỹ chỉ là ba ngày. Trong ba ngày ấy người vi phạm sẽ được tham gia một chương trình giáo dục về chính vấn đề này. Như vậy, việc thực thi pháp luật sẽ vừa răn đe, vừa giáo dục.
Nếu những nhà lập pháp nhất định phải học hỏi nước ngoài phạt tù tài xế vi phạm nồng độ cồn để "phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, là xử phạt tương xứng mức độ vi phạm", thì cũng cần phải đặt câu hỏi: mức phạt nồng độ cồn tối thiểu hiện nay đã đảm bảo "tương xứng mức độ vi phạm" chưa? Những người uống rượu bia dù đã sau một đêm mới lái xe hoàn toàn vẫn có thể bị phạt vì vẫn còn nồng độ cồn. Bản thân tôi cũng phải từ bỏ món ăn khoái khẩu steak với sốt vang đỏ vì e ngại rắc rối.
Thực tế, chính sách Zero Alcohol chỉ là thiểu số trên thế giới. Những quốc gia phát triển có quy định hình phạt tù cho hành vi lái xe dưới tác động rượu bia như Mỹ, Anh, Australia, Canada... lại đều có quy định về mức nồng độ cồn tối thiểu trong hơi thở.
Việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế để xây dựng hệ thống luật pháp tất nhiên phải có sự linh hoạt, phù hợp với bản địa. Nhưng rõ ràng sẽ không hợp lý và công bằng nếu chúng ta chỉ "học" những điều khoản theo hướng tăng nặng, nhưng bỏ qua những quy định mang tính cân bằng hơn.
Như vậy, pháp luật rất có thể bị biến thành con ngáo ộp, chỉ khiến người ta e sợ, nhưng không thực sự phục.
Phan Tất Đức