Tầm soát sớm, điều trị các bệnh lý hô hấp
Theo BS.CKII Mã Thanh Phong (bác sĩ Hô hấp tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), nội soi phế quản ống mềm được thực hiện bằng cách bác sĩ đưa ống nội soi mềm di chuyển xuống cổ họng, qua khí quản, vào phế quản, các cấp phân chia của đường hô hấp. Việc này giúp bác sĩ nội soi quan sát trực tiếp thanh quản, khí quản, phế quản, một số vùng của phổi; từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh sớm và chính xác hơn.
Ví dụ, với bệnh ung thư phổi nguyên phát, có tới 90% trường hợp bệnh phát triển bắt đầu từ tế bào nền của biểu mô phế quản. Do đó, nhờ hệ thống ánh sáng dải tần hẹp NBI, nội soi phế quản ống mềm có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi phế quản hiệu quả.
Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm thường được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý hô hấp, bao gồm:
Nội soi chẩn đoán sớm các bệnh lý: nghi ung thư phế quản phổi, u trung thất; dị vật đường thở; viêm phổi khó trị hay tái phát; bệnh phế nang, mô kẽ phổi; khó thở không phải do hen phế quản; ho ra máu; ho kéo dài trên 2 tuần. Bệnh nhân bị xẹp phổi; tràn dịch màng phổi chưa tìm được nguyên nhân; bất thường trên X quang ngực nhưng chưa chẩn đoán được bằng các phương pháp khác; nghi thủng khí quản hay dò thực quản khí quản; khàn tiếng; đánh giá thanh môn trước khi rút canule mở khí quản... cũng có thể thực hiện kỹ thuật này.
Nội soi điều trị các bệnh lý hoặc tình trạng bệnh: gắp dị vật đường thở; cầm máu; đốt điện hoặc laser khối u đường thở; đặt stent kim loại khí phế quản; xẹp phổi do tắc đờm hay cục máu đông; cắt hạt hay polyp dây thanh điều trị khàn tiếng...
Quy trình nội soi phế quản bằng ống soi mềm
Bác sĩ Phong cho biết, trước khi làm thủ thuật, người bệnh sẽ được phun thuốc gây tê cục bộ vào mũi và cổ họng để làm tê khu vực này. Nhiều bệnh nhân cũng có thể cần dùng thêm thuốc an thần để giúp họ thư giãn. Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dưới sự gây mê toàn thân trong những trường hợp cần thiết.
Sau khi thuốc tê hay thuốc gây mê có hiệu lực, bác sĩ sẽ bổ sung oxy vào khí hít cho người bệnh, bắt đầu đưa ống nội soi di chuyển xuống cổ họng, qua khí quản, vào phế quản, các cấp phân chia. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát thấy toàn bộ đường dẫn khí như thanh quản, khí quản, phế quản, các nhánh nhỏ của phế quản là tiểu phế quản.
Nếu bác sĩ cần đặt stent hoặc sinh thiết, các dụng cụ có thể được đưa vào thực hiện tại chỗ trong quá trình nội soi. Nếu chuyên gia cần thu thập các tế bào, chất lỏng trong đường thở, phế quản sẽ được bơm rửa với dung dịch nước muối sinh lý, hút lấy dịch rửa để xét nghiệm vi sinh cũng như tế bào của đường hô hấp.
Bác sĩ Phong chia sẻ thêm, nội soi phế quản là một thủ thuật tương đối nhanh chóng và không đau đớn, tuy nhiên, người bệnh vẫn cần ở lại bệnh viện trong vài giờ cho đến khi thuốc tê hay thuốc gây mê hết tác dụng. Huyết áp, nhịp thở cũng được theo dõi sát trong thời gian này để kiểm tra các biến chứng.
Khi người bệnh có lại phản xạ ho (thông thường trong vòng 2 giờ) là điều kiện an toàn để ăn, uống bình thường trở lại qua đường miệng. Đồng thời, nếu nội soi có dùng thuốc an thần, người bệnh nên tránh lái xe, vận hành máy móc và uống rượu trong 24 giờ tiếp theo.
Sau nội soi phế quản ống mềm, hầu hết trường hợp đều có thể trở lại hoạt động bình thường sau 24 giờ. Tuy vậy, một số người có thể bị đau họng, khàn giọng trong vài ngày tiếp theo.
Tương tự các thủ thuật can thiệp khác, nội soi phế quản cũng có nguy cơ thấp gặp một số rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng, thủng phế quản, kích thích gây co thắt phế quản, co thắt thanh quản, tràn khí màng phổi... Chính vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường sau khi thực hiện nội soi phế quản, cần đến khám lại ngay để được kiểm tra, kịp thời xử lý.
Theo bác sĩ Phong, nội soi phế quản ống mềm là thủ thuật vừa chẩn đoán, vừa can thiệp trên đường thở tương đối an toàn với ít nguy cơ gặp phải biến chứng. Bệnh nhân được sử dụng thuốc gây tê tại chỗ và thuốc an thần để thoải mái, thư giãn trong quá trình thực hiện.
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và nguy cơ tử vong đối với các bệnh lý hô hấp. Trong đó, nhóm bệnh không lây như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi..., nhóm các bệnh lý dễ lây như cảm cúm, lao, viêm phổi cộng đồng vì tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Để góp phần chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp hiệu quả, nội soi phế quản bằng ống soi mềm (gọi tắt là nội soi phế quản ống mềm) là một kỹ thuật đóng vai trò quan trọng.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đầu tư hệ thống nội soi phế quản ống mềm Olympus Evis Exera III CV-190 hiện đại. Đơn vị trang bị hệ thống ánh sáng đèn Xenon, hệ thống ánh sáng dải tần hẹp NBI, bộ xử lý hình ảnh, hệ thống Camera, màn hình độ phân giải cao cho hình ảnh sắc nét, trung thực..., đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, can thiệp điều trị cho người bệnh.
Danh Nguyễn