Cách phát hiện bệnh mắc phổi tắc nghẽn mạn tính
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Các yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh gồm hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn, lao phổi.... Trong đó, hút thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh, 80-90% người mắc liên quan đến hút thuốc lá.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân chia sẻ thêm, các triệu chứng thường gặp của COPD là ho, khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường nhẹ, có thể chỉ có ho ngắt quãng và không khó thở hoặc chỉ khó thở khi gắng sức (xuất hiện khi đi lên cầu thang, khi đi bộ nhanh trên đường bằng....). Người bệnh thường bỏ qua và nghĩ là triệu chứng bình thường.
Khi bệnh nặng hơn có biểu hiện ho dai dẳng, ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng, khó thở liên tục cả khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn muộn, biến chứng suy hô hấp mạn tính như tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo hõm ức, biểu hiện của suy tim phải (phù 2 chân, mắt lồi đỏ như mắt ếch, tiểu ít...). Người mắc COPD thường kèm theo các bệnh như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường. COPD có thể chồng lấp với triệu chứng của các bệnh này và bỏ sót chẩn đoán.
Người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ mắc COPD như trên cần chuyển đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện (tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương...). Bệnh nhân sẽ được làm thêm thăm dò chẩn đoán như đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống COPD.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, hiện nay, chẩn đoán COPD ngoài hỏi bệnh sử, tiền sử, khám phổi, cần phải đo chức năng thông khí và làm test với thuốc giãn phế quản để chẩn đoán xác định. Chức năng thông khí sẽ không được thực hiện ở bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã xác định nhiễm Covid-19. Chức năng thông khí có thể phân tán virus và khiến người xung quanh có khả năng bị lây nhiễm. Tại những vùng đang có dịch, trì hoãn thực hiện chức năng thông khí trừ những trường hợp khẩn cấp. Nếu phải thực hiện hô hấp ký trong trường hợp khẩn cấp cần phải tuân thủ các thận trọng để hạn chế nguy cơ lây.
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh trong dịch
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân lưu ý để giảm thiểu và tránh tác hại của bệnh này thời dịch, bệnh nhân và người thân phải có kiến thức cơ bản về bệnh, tăng cường chăm sóc, tăng cường thể lực hàng ngày ngay tại nhà.
- Hỗ trợ hô hấp nhằm cải thiện tình trạng khó thở:
+ Sử dụng liệu pháp thêm oxy khi có triệu chứng khó thở với thở oxy liều thấp 1-3 lần/phút.
+ Hỗ trợ thở máy không xâm nhập nếu có chỉ định.
- Làm thông thoáng đường thở: ho khạc đờm chủ động, tập thở...
- Tránh những yếu tố kích thích đường thở như thuốc lá, khói, bụi cần dùng khẩu trang khi đi ra ngoài hay lúc làm việc trong môi trường khói bụi.
- Dùng thuốc giãn phế quản hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, tiếp theo thì thực hiện dẫn lưu tư thế, kết hợp vỗ, rung lồng ngực và ho có điều khiển để tống đờm ra ngoài.
+ Nên uống đủ nước hàng ngày có thể 2-3 lít nếu bác sĩ không khuyên hạn chế nước.
+ Một số người bệnh thể trạng yếu có thể tiến hành hút đờm từ bên ngoài qua mũi, miệng.
- Tập thở, tăng cường tập thể dục, thể thao tăng cường thể lực:
+ Luyện tập thở đúng trong quá trình hoạt động, làm những việc nhẹ nhàng như đi bộ, leo cầu thang tại nhà, tránh ra ngoài đường hoặc chỗ tập trung đông người... Số lần tập và mức độ tập có thể nâng lên dần dần sau khi đã thích nghi tốt. Các bài tập thở có hiệu quả như tập thở hoành và thở chúm môi.
+ Hạn chế các việc tác động làm căng thẳng tâm lý, sống trong môi trường trong lành, ít khói bụi.
- Kiểm soát cân bằng nước và điện giải và kiểm soát nhiễm trùng:
+ Nếu có biểu hiện nhiễm trùng: ho đờm đục, sốt.... nên dùng kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ càng sớm càng tốt.
+ Bệnh nhân có các triệu chứng đi kèm như sốt, nôn... nên ngay lập tức sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, tăng cường uống nước.
+ Với một số loại thuốc giãn phế quản có thể sẽ có tác dụng phụ. Khi có các dấu hiệu bất thường sau khi đưa thuốc vào cơ thể thì phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
+ Cải thiện môi trường sống và làm việc: tăng cường thêm cây xanh, thêm máy tạo ẩm..., tránh trường hợp thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Dinh dưỡng cho người bệnh mắc COPD:
+ Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nâng cao thể trạng góp phần giảm triệu chứng và tăng chất lượng cuộc sống.
+ Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ (4-5 bữa/ngày) thay vì ăn 3 bữa để tránh tình trạng bệnh nhân bị no quá. Trước và sau khi ăn nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh.
+ Cần chọn những thực phẩm dinh dưỡng, giàu năng lượng cho người bệnh. Những nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ chất đạm, chất béo, chất bột và chất xơ; hạn chế các chất béo từ động vật, thay vào đó là tăng cường các chất béo từ dầu thực vật, cá,...
+ Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, nhất là các thực phẩm mặn, nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm muối...
- Cải thiện tình trạng tâm thần và giấc ngủ: tránh dùng thuốc ngủ gây ức chế trung tâm hô hấp, tránh căng thẳng về tâm lý, giảm lo lắng bệnh tật, luôn động viên, an ủi, sẻ chia tâm tư nguyện vọng của người bệnh.
Ngọc An