TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích (chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, nám da nội tiết và nám nắng có nhiều điểm khác biệt. Người bệnh cần tìm ra nguyên nhân gây nám da để có phương pháp điều trị thích hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nám nắng thường xảy ra do tác động của các yếu tố bên ngoài gồm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng xanh với bức xạ nhiệt từ thiết bị điện tử, môi trường ô nhiễm như: khói xe, bụi bẩn, hóa chất... Dùng mỹ phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, chứa corticoid làm mỏng da khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời, bức xạ điện tử cũng gây nám. Chế độ ăn uống, thời gian nghỉ ngơi, thói quen sinh hoạt, cách chăm sóc da... là những nguyên nhân làm xuất hiện những mảng nám.
Trong khi đó, nám nội tiết hình thành do rối loạn nội tiết tố làm mất cân bằng hormone trong cơ thể, kích thích sản xuất nhiều hắc sắc tố melanin, tạo ra các nốt tăng sắc tố trên bề mặt da. Sử dụng một số loại thuốc cũng gây tác dụng phụ làm rối loạn nội tiết tố hình thành nám.
Các yếu tố góp phần cho nám nội tiết xuất hiện như: stress kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng làm nội tiết tố thay đổi, dùng thuốc tránh thai chứa progestins, thay đổi nội tiết tố khi mang thai hoặc sau sinh, mãn kinh, kinh nguyệt không đều. Nám do nội tiết sẽ giảm khi tình trạng nội tiết được cân bằng về mức bình thường. Ví dụ khi sinh em bé xong, nội tiết sẽ trở về trạng thái bình thường thì nám nội tiết tố sẽ giảm từ từ).

Bác sĩ Ngọc Bích thăm khám da cho một người phụ nữ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cách phòng ngừa
Bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ thêm, sau 30 tuổi, nội tiết tố ở nữ sẽ bắt đầu giảm dần, ít sản sinh hơn. Sống lạc quan, thoải mái, bảo vệ làn da, tăng cường tập thể dục để làm chậm lại tốc độ lão hóa, duy trì sắc đẹp. Điều trị nám nội tiết là quá trình lâu dài, cần tác động cả bên trong và bên ngoài nên phòng ngừa nám sẽ tốt hơn.
Nếu căng thẳng kéo dài làm tăng estrogen, gây rối loạn nội tiết tố trong cơ thể nên cần giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tập thể dục thường xuyên. Chế độ ăn nên đa dạng các loại thực phẩm, nhất là các thực phẩm giúp cân bằng hormone estrogen như: đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành.
Tuy caffeine trong trà, cà phê, ca cao giúp tập trung, tỉnh táo nhưng gây rối loạn nhịp tim và quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố. Ngủ đủ giấc, ngủ sâu giúp ổn định sự cân bằng hormone, tái tạo nguồn năng lượng mới, phục hồi cơ thể sau một ngày làm việc.
Dùng kem chống nắng đều đặn hàng ngày kể cả khi không phải đi ngoài trời nắng cũng là một cách phòng ngừa nám nội tiết và nám nắng. Khi xuất hiện nám trên da, người bệnh nên khám với bác sĩ khoa da liễu. Tùy vào tình trạng nám, bác sĩ da liễu sẽ phối hợp với bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường để điều trị cân bằng nội tiết, giúp da tươi sáng, rạng rỡ.
Mai Hoa