Suốt từ quá khứ hình thành cho đến trước năm 2018, chúng ta luôn có những thế hệ tuyển thủ tài ba, họ nối tiếp viết tiếp giấc mơ đưa bóng đá Việt vươn tầm thế giới. Mặc dù nỗ lực không biết mệt mỏi, rốt cuộc họ vẫn chưa thể làm cho bóng đá nước nhà thăng hoa. Rất nhiều các đời huấn luyện viên ngoại vẫn đến rồi đi, những cũng chỉ giúp Việt Nam đạt tới hạng khá tại Đông Nam Á. Còn đối với bóng đá cấp châu lục, chúng ta vẫn phải chấp nhận ở vị trí trung bình yếu.
Chưa từng dám mơ
Giấc mơ vô địch và thống trị làng túc cầu khu vực Đông Nam Á vẫn luôn xa vời với chúng ta, mặc dù trình độ của các cầu thủ của Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng chưa chắc đã hơn hẳn cầu thủ Việt. Đó luôn là nỗi trăn trở của các chuyên gia bóng đá nước nhà. Đó cũng là câu hỏi nhức nhối cho các nhà quản lý và đặc biệt là khát vọng cháy bỏng của tất cả cổ động viên trong nước.
Làm sao để đưa đội bóng thân yêu của chúng ta lên ngôi vương, đứng đầu khu vực? Câu hỏi ấy vẫn luôn làm khó biết bao thế hệ huấn luyện viên khi ngay cả thể lực của chúng ta cũng không đủ để đáp ứng cho hai hiệp thi đấu chính thức, chứ chưa nói đến phụ phụ. Yếu tố cơ bản không có, vậy làm sao dám mơ đến những đường bóng đẹp, kỹ chiến thuật hay các bàn thắng khi sức mạnh tập thể chưa được nâng cao?
Nỗi đau dai dẳng ấy kéo dài nhiều chục năm. cho tới khi HLV Park Hang-seo xuất hiện.
>> 'Xe buýt hai tầng' của ông Park
Ai từng mơ?
Thú thật, bản thân tôi lúc đầu cũng chưa có cảm tình với vị huấn luyện viên người Hàn Quốc này cho lắm. Như người ta vẫn hay nói "xem mặt mà bắt hình dong", tôi nghĩ rằng "chắc ông này cũng không làm nên trò trống gì đâu". Vậy mà, người đàn ông với vóc dáng khiêm tốn này đã dẫn tôi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác...
Đầu tiên là cách hình thành bộ khung của đội tuyển, cách sắp xếp đội hình thi đấu. Dưới thời ông Park, không một cầu thủ nào có thể biết được mình có giành được suất đá chính thức hay không, trừ một vài vị trí chủ chốt. Vậy thì làm sao cầu thủ dám "đánh lẻ", hay kéo bè kết phái, chia sẻ nội bộ được? Dần dần về sau, cách sắp xếp này đã có thay đổi, khi HLV Park chọn ra được một bộ khung ưng ý nhất.
"Chắc ông này cho cầu thủ ngậm sâm Đại Hàn đây", tôi vẫn thường nói đùa với mấy người anh em của mình như vậy, khi thấy cầu thủ Việt chỉ trong một thời gian ngắn đã khắc phục được nhược điểm cố hữu - thể lực. Nhìn những bước chạy thoăn thắt của cầu thủ trong những phút cuối của mỗi trận đấu mà lòng tôi thầm bật lên niềm vui vô hạn: "Đừng hòng làm mưa làm gió nữa nhé Kiatisak". Nền tảng thể lực - gót chân Achilles của tuyển Việt Nam - đã được ông thầy người Hàn Quốc dựng lên một tấm khiên kiên cố bảo vệ...
Đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu bằng cách nào mà ông có thể hun đúc cho các cầu thủ Việt một ý chí, một khát vọng phi thường và một nền tảng thể lực sung mãn đến thế? Chưa bao giờ tôi thấy cầu thủ Việt thi đấu lăn xả, quên mình trong mỗi trận đấu như lần cuối cùng được chơi bóng như vậy.
Nhìn lên khu vực kỹ thuật, chứng kiến cái cách HLV Park Hang-seo nhập tâm vào từng đường bóng, sẵn sàng vùng lên mỗi khi thấy các học trò chịu bất công trên sân, đôi lúc tôi còn tưởng ông là người Việt. Có lẽ chỉ có khát vọng chiến thắng mới có thể giúp ông dẫn dắt đội quân đi từ chiến thắng này đến danh hiệu khác, làm nức lòng bao thế hệ người hâm mộ.
Chưa hết, việc có mặt trong thành phần đội tuyển bóng đá nước nhà dưới thời ông Park đã trở thành một niềm vinh hạnh vô bờ, là khát khao cháy bỏng của từng cầu thủ. Cuộc cạnh tranh giành suất lên tuyển "nóng" hơn bao giờ hết khi ai cũng muốn được điền tên. Ngay cả khi đã được chọn tập trung rồi, mỗi cầu thủ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cạnh tranh một suất đá chính trong mỗi lần đội nhà ra trận.
Ấy vậy mà, họ vẫn yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, vẫn vui đùa như người một nhà từ trong sân tập đến ngoài đời. Đó là điều mà nếu không phải ông Park thì khó có ai làm được. Dưới bàn tay nhào nặn của ông thầy người Hàn Quốc, tuyển Việt Nam đã trở thành một tập thể đoàn kết, và đầy sức chiến đấu, khiến mọi đối thủ lớn nhỏ đều không dám xem thường.
Chuỗi chiến thắng ở đấu trường Đông Nam Á và từng bước vững vàng ở sân chơi châu lục đã dần nhen nhúm những tia hy vọng nơi người hâm mộ Việt. Có ai từng dám nghĩ rằng những cầu thủ thân yêu của chúng ta sẽ có ngày hiên ngang đoạt ngôi Á quân trước những anh tài bóng đá châu Á? Có ai từng mơ rằng mình sẽ chứng kiến một Nguyễn Quang Hải vẽ nên một đường cong tuyệt mỹ để lập nên siêu phẩm trong trận chung kết ngay tại Thường Châu tuyết trắng? Từ khi nào Mỹ Đình đã trở thành pháo đài bất khả xâm phạm của đội tuyển Việt Nam, nơi người hâm mộ nước nhà luôn được nở nụ cười, hận hoan trong niềm vui chiến thắng mỗi khi trận đấu khép lại?
>> Tôi mong tuyển Việt Nam chơi tấn công sau những thất bại
Một giấc mơ hoa
Tôi tin rằng, người Việt Nam đã cùng nín thở chờ đợi kết quả loạt trận cuối cùng của Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực Châu Á. Để rồi tất cả cùng vỡ òa khi đội tuyển thân yêu hiên ngang giành vé bước vào vòng ba. Thế nên, tại sao chúng ta lại không có quyền mộng mơ và hy vọng? Dù rằng có thể chưa phải là lần này. Chúng ta có lẽ cần có thêm thời gian để hiện thực hóa giấc mơ đi dự Vòng chung kết World Cup. Nhưng ai biết đâu được, vào năm 2026, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, Đoàn Văn Hậu... sải bước trên sân khấu lớn nhất của bóng đá thế giới khi bước vào độ tuổi chín nhất của đời cầu thủ.
Ý chí và khát vọng chiến thắng là điều mà tôi nhận ở từng con người đang khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia trong từng trận đấu đã qua. Dù vẫn còn đâu đó những "thủ thuật sân nhà" hay sự can thiệp của VAR khiến đội bóng của chúng ta phải chịu thất bại đáng tiếc, nhưng vẫn còn đó những trận đấu trên sân nhà đang chờ đợi ta ở phía trước.
Đừng làm tan giấc mơ hoa
Nói không ngoa, vai trò của HLV Park Hang-seo đã đem lại tất cả vinh quang những năm vừa qua cho bóng đá Việt Nam, giúp người Việt có thể nở mày, nở mặt với bạn bè quốc tế. Chúng ta vẫn còn rất nhiều hy vọng cho tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà. Bốn trận thua liên tục có thể một kỷ lục buồn của thầy trò HLV Park. Sẽ rất đáng trách nếu đây là các trận thua ở đấu trường Đông Nam Á. Nhưng hãy nhớ đây là sân chơi châu lục vô cùng khắc nghiệt, nên đừng đòi hỏi quá nhiều ở đội tuyển.
>> 'Tuyển Việt Nam trả giá đắt khi phòng ngự số đông'
Tôi tin sẽ không ai có thể hạ thấp một vị thuyền trưởng nếu ông ta đã làm đúng trách nhiệm của mình, bằng tất cả những gì có thể. Trong một cuộc chơi không cân sức, đôi khi thắng - thua không phải là tất cả, đôi khi thứ quan trọng lại là cách ta đã chiến đấu. Giống như một đứa trẻ luôn được tặng quà khi gặp người quen và dễ hờn dỗi khi lần nào đó không có quà, một số người do đã quen với chiến thắng của đội nhà mỗi lần ra trận, nên sẽ dễ rơi vào cảm xúc không hài lòng với các trận thua liên tiếp. Đôi khi chúng ta quên mất đối thủ của mình lúc này là ai?
Cũng khó trách cho thứ cảm xúc ấy, vì nó cũng xuất phát từ tình yêu quá lớn dành cho đội tuyển, cho dù nó không công bằng cho những người trong cuộc. Nhưng tôi không vui khi gần đây xuất hiện một bộ phận người hâm mộ có suy nghĩ "bội bạc" khi phát biểu về HLV Park và những thất bại của đội tuyển.
Nếu vì "hờn dỗi" trước những chỉ trích vô lý của người hâm mộ Việt mà dứt áo ra đi, tôi tin chắc chắn ông Park sẽ dễ dàng tìm được một công việc khác. Với những ông làm được ở Việt Nam, sẽ không thiếu quốc gia trong khu vực muốn trải thảm đỏ đón ông về.
Còn với chúng ta, tất nhiên không có huấn luyện viên này, chúng ta cũng sẽ tìm được một huấn luyện viên khác. Nhưng sẽ khó mà tìm được một Park Hang-seo thứ hai và mang lại những kỳ tích như những năm qua.
Thế nên, nếu không làm gì giúp ích được cho đội tuyển, tôi mong các bạn cũng đừng làm tan vỡ giấc mộng dưới hoa của người Việt.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.