Không thể trách HLV Park được vì ông đã làm hết sức mình. Nguyên liệu thế nào thì ông chỉ nấu ra được món ăn như thế thôi.
Tiến Linh chưa bao giờ là một tiền đạo nổi bật, lười di chuyển và dứt điểm thiếu tinh tế. Cầu thủ này có lợi thế thể hình to cao, phù hợp để đánh đầu, nhưng nếu so với các đối thủ Tây Á có dàn hậu vệ cao lớn hơn thì Tiến Linh gần như mất hút. Trong khi đó, một tiền đạo khác là Đức Chinh vào sân cũng không thể hiện được gì nhiều. Đó là lý do tại sao HLV Lê Huỳnh Đức nhiều lần trách móc cầu thủ này.
Họ đều là những cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp nhiều năm, nhưng tại sao không tự hoàn thiện mình từng ngày? Đó là lý do bóng đá Việt Nam thiếu cầu thủ đẳng cấp (hiếm có ai được như Văn Hậu, cố gắng cải thiện mình từng ngày). Từ truyền thông đến người hâm mộ đều tung hô các cầu thủ trẻ sau một vài thành công gần đây và vô tình khiến cho họ có dấu hiệu dừng học hỏi, hoàn thiện bản thân.
Ví như Quang Hải, hai năm nay, từ giải Thường Châu đến giờ vẫn vậy, vẫn không cải thiện được gì cho bản thân để nâng lên tầm cao mới. Dù có kỹ thuật nhưng khả năng kiến tạo của Hải vẫn vậy: thiếu hẳn tốc độ và khả năng thăng bằng khi tranh chấp, chỉ qua người được một nhịp rồi chuyền bóng, không tạo được nhiều đột biến nếu so sánh với Chanathip, Supachok. Tôi tiếc vì Quang Hải có tiềm năng phát triển nhưng lại không thể tập trung phát triển bản thân.
Bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng do tư duy, ý thức thiếu chuyên nghiệp, nên họ không thể phát triển tối đa. Việt Nam cần phải có nhiều cầu thủ như Kazuyoshi Miura của Nhật Bản thì nền bóng đá nước nhà mới tiến lên được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.