Xung quanh câu chuyện "có nên giảm lương HLV Park Hang-seo vì Covid-19? ", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ quan điểm đồng tình:
Trong hoàn cảnh thực tế này, HLV Park và đội trợ lý người Hàn nên chủ động tự nguyện giảm lương 30% để chia sẽ khó khăn với LĐBĐ Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, đấy cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm và lòng tự trọng. Nếu không, VFF cũng nên đề nghị ông Park hợp tác cắt giảm giống như Thái Lan đã từng làm với HLV Nishino. Thời điểm này, mức lương như vậy chỉ phù hợp với những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đang tìm và điều chế thuốc điều trị và vaccine phòng Covid-19. Những lĩnh vực tiêu khiển như bóng đá không nên nhận mức lương trên một tỷ đồng/ tháng sau thuế, chưa kể tiền quảng cáo ở thời điểm hiện tại.
Tình hình chung ở Việt Nam giữa các công ty và nhân viên là nghỉ không lương hoặc hỗ trợ lương cơ bản dù không có đề cập trong hợp đồng. Ông Park nhận trợ cấp từ chỗ ăn, ở mà vẫn nhận mấy chục ngàn đô dù không làm việc là không hợp tình, hợp lý. Hôm trước, ông quyên góp 5.000 USD cũng có phần gượng ép. Tôi không hoan nghênh việc ông nhận lương, trợ cấp đầy đủ trong mùa dịch bệnh. Chỉ cần ông giảm hoặc không nhận lương là đã ủng hộ được nhiều rồi.. Trong khi dịch bệnh, người Việt Nam chỉ nhận lương cơ bản hoặc không lương mà ông Park nhận đầy đủ lương trợ cấp thì tôi không phục.
Cách đẹp nhất là giữ lương ông Park như cũ nhưng ông dùng một phần lương để giúp đỡ những người lao động thu nhập thấp vượt qua Covid-19. Chứ giờ ngồi không, không làm gì mà vẫn lãnh trọn lương thì cũng không hợp lý và dễ gây dị nghị.
Đây là khó khăn chung của cả đội tuyển Việt Nam cũng như toàn bộ thế giới lúc này. HLV Park nếu có tâm thì nên tự nguyện xin giảm lương hoặc không giảm lương nhưng sẽ góp một phần lương tới các quỹ từ thiện.
Người sử dụng lao động (LĐBĐ Việt Nam) không ai muốn giảm lương cán bộ, nhân viên, nhất là những người có năng lực như HLV Park, nhưng trong điều kiện công ty không có việc làm, hoạt động thể thao cũng bị đóng băng như hiện nay thì giảm lương HLV Park là điều đúng đắn.
Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng, không thể yêu cầu giảm lương HLV Park khi hợp đồng ký kết không hề có điều khoản ràng buộc:
Tôi ủng hộ ông Park không giảm lương. Bóng đá, nhất là đội tuyển quốc gia, tập trung chính vào các giải với một số trận nhất định. Còn lại là lên chiến thuật, chuẩn bị, có phải đá liên tục hàng tuần, hàng tháng đâu. Sao lúc đội phải đá các giải liên tiếp, vừa xong giải này phải bay đi lo cho giải khác, mà không thấy tăng lương?
Không phải giải ngưng là HLV không làm gì (tất nhiên là rảnh hơn trước). Dẫu sao thì cái giá mà VFF đã chi trả cho thầy Park để đánh đổi thành tích trong hai năm qua là quá rẻ rồi (vì tiền lương, thuế trong hai năm đầu do bầu Đức chi trả). Còn chuyện giảm lương hay không là chuyện nhạy cảm, phải do chính HLV tự nguyện (giống HLV của Thái Lan) hoặc VFF phải đề xuất với người đại diện của thầy Park rồi đàm phán khi họ đồng ý. Chứ không nên gây áp lực cho họ (thầy Park và người đại diện). Đã chuyên nghiệp rồi thì cứ theo điều khoản trong hợp đồng mà thực hiện.
Lúc đạt vinh quang, mang cúp về cho đất nước, sao không thấy tăng lương gấp đôi, gấp bà mà giờ lại muốn ông Park giảm lương? Nếu hợp đồng không ràng buộc điều khoản từ đầu thì cứ giữ như cũ. Một nghiệt ngã là, nếu đội tuyển Việt Nam thất bại, khả năng ông Park sẽ bị sa thải đầu tiên.
Không ai có thể ép người khác giảm lương khi hợp đồng đã ký trước đó không có điều khoản ràng buộc làm như vậy vì những yếu tố đại loại như dịch bệnh. Nhưng tôi tin ông Park có tình yêu với Việt Nam thì sẽ làm điều đó. Còn ai lên tiếng ép buộc ông ấy giảm lương thì cũng nên tự mình đề xuất với doanh nghiệp cơ quan nơi mình làm giảm lương trước đi đã.
Chỉ có các công việc mang tính chất thời vụ mới giảm lương như vậy thôi, còn công việc dài hạn thì không nên. Vả lại, với các công việc mang tính dài hạn thì dù không có các hoạt động bề nổi, thì bản thân những người phụ trách các công việc đó cũng vẫn phải nghiên cứu, chuẩn bị, sắp xếp... mang tính chiến lược đường dài.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.