Đội tuyển Việt Nam đang tập trung ráo riết chuẩn bị cho vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á . Đây là một dấu mốc lịch sử của bóng đá nước nhà. Dù không kỳ vọng nhiều vào việc đội tuyển sẽ giành một vé đi tiếp nhưng tôi cũng như nhiều người hâm mộ khác vẫn dành một sự ngưỡng mộ cho đội tuyển.
Thế nhưng, dù phấn khích với hành trình của đội tuyển, tôi vẫn phải thẳng thắng thừa nhận những lo ngại nhất định cho đội bóng của ông Park. Liệu sau chiến tích này, bóng đá Việt Nam có đi vào vết xe đổ của người Thái hay không?
Bóng đá Thái Lan một thời gian dài đã làm mưa làm gió ở đấu trường Đông Nam Á. Từ SEA Games đến Tiger Cup và sau này đổi tên thành AFF Cup. Nhiều lúc, người ta có cảm giác như ở các giải đấu trong khu vực, nếu Thái Lan thi đấu một cách nghiêm túc và bung hết lực thì ngôi quán quân khó lòng thoát hỏi tay họ. Cũng vì lẽ đó mà bóng đá Thái Lan đã mơ đến sân chơi lớn hơn ở tầm châu lục và thậm chí là sân chơi World Cup. Vì vậy, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã không tiếc tiền làm mọi cách, kể cả thuê những huấn luyện viên nổi tiếng trên thế giới về dẫn dắt, hòng nâng tầm đội tuyển bóng đá quốc gia.
Thực tế, họ cũng đã có cơ hội khi lọt vào đến vòng loại thứ ba khu vực châu Á World Cup 2018 (tương tự chúng ta hiện nay). Thế nhưng, kết quả mà đội tuyển Thái Lan nhận được tại đây là những trận thua liểng xiểng trước các đối thủ thuộc top đầu của châu lục. Thất bại đó khiến bóng đá Thái Lan nhận ra rằng, dù là "vua" ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trình độ của họ so với các đội bóng hàng đầu châu lục vẫn còn một khoảng cách quá xa, không thể một sớm, một chiều san lấp được.
>> Dẹp bỏ tư tưởng học hỏi, cọ xát ở Vòng loại cuối World Cup
Trong khi bóng đá Thái Lan đang mải mê với những giấc mơ lớn thì những đối thủ khác trong khu vực đã âm thầm vươn lên. Trong đó đáng kể nhất là Việt Nam và Malaysia. Tình cảnh của đội tuyển Thái Lan giống như một anh trọc phú ở quê, do thấy ngột ngạt và chán chê cảnh sống nhà quê, không tìm thấy được bạn chơi xứng tầm nên anh ta gom góp vốn liếng lên thành phố tìm kiếm cơ hội. Nhưng trớ trêu thay, khi lên thành phố, anh ta không cạnh tranh và đua đòi được với những gã nhà giàu nơi phố thị rồi nhận nhiều quả đắng. Chán nản anh ta trở lại nơi mình xuất phát, nhưng hỡi ôi, trong thời gian đó, tài sản, đất đai của anh ta đã bị người khác chiếm hữu. Thậm chí cả danh vị "trọc phú đầu bảng" cũng đã có chủ mới mất rồi.
Lúc này, vị trí của đội tuyển Thái Lan như người ở lưng chừng con dốc, lên không nổi, xuống cũng không xong. Từ bài học của đội tuyển Thái Lan, thiết nghĩ, những người làm bóng đá Việt Nam cần có những đánh giá thật khách quan và đúng đắn về thực lực của bóng đá nước nhà. Chúng ta không nên vì một thành tích nhất thời mà quá ảo tưởng sức mạnh bản thân. Dù Việt Nam đang có vị trí dẫn đầu trong khu vực nhưng khoảng cách với các đội tuyển còn lại cũng rất mong manh, trong khi đoạn đường để bắt kịp những người đi trước vẫn còn quá xa.
Theo tôi, hành trình của bóng đá Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 chỉ nên được coi như một bài kiểm tra để biết chúng ta đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu lục, từ đó có chiến lược phát triển đúng đắn là bền vững cho nền bóng đá nước nhà trong tương lai. Mục đích lớn nhất là làm sao cho sự xuất hiện của đội tuyển quốc gia chúng ta tại các sân chơi lớn ở tầm châu lục và cả thế giới, phải như là một điều tất yếu, thường xuyên, liên tục. Các thế hệ tương lai phải mang một tâm thế cạnh tranh rõ ràng, sòng phẳng với mọi đối thủ hàng đầu chứ không phải là trò chơi may rủi và được chăng hay chớ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.