Chia sẻ quan điểm xung quanh câu hỏi "Bóng đá Việt Nam nên đá phòng ngự phản công trong 5-10 năm tới?", độc giả Trần Văn Tùng phân tích:
Bất kể HLV nào khi xây dựng lối chơi cho đội bóng cũng phải dựa theo thực lực hiện có của đội, "cố đấm ăn xôi" chạy theo phong cách không phù hợp với cầu thủ là một điều phi thực tế. Nếu thử đặt mình vào vị trí HLV, bạn sẽ có thể hiểu được điều này.
Nhìn nhận lại nền tảng môi trường bóng đá thực tế tại Việt Nam, việc đáp ứng được yếu tố con người để HLV có thể dễ dàng triển khai các lối chơi đa dạng khác nhau là rất hạn chế. Điều này có thể nhìn vào đội hình chính và đội hình dự bị trong các lứa trẻ và đội tuyển. Chỉ cần đặt câu hỏi: nếu thiếu các vị trí ở đội hình chính thì đội hình dự bị có cá nhân nào đủ sức thế chỗ san lấp khoảng trống? Đó là còn chưa nói đến cầu thủ đủ tầm để HLV có thể thay đổi lối chơi đa dạng hơn.
Người hâm mộ nào cũng đều mong muốn đội tuyển có được lối chơi bề trên so với các đối thủ hoặc chí ít cũng là một lối chơi đẹp mắt. Đó là mong muốn rất cơ bản, nhưng lại rất phi thực tế (ở thời điểm hiện tại) nếu thiếu nhìn nhận về bóng đá nước nhà và những nền bóng đá phát triển xung quanh.
Nhiều người vẫn bị 'bấn loạn' giữa một bên là thành tích và bên kia là khả năng phát triển lối chơi, mà chưa nhìn nhận lại những gì chúng ta đang có. Thực tế, bóng đá nước nhà vẫn có thể gọi là đang "ăn xổi" chứ chưa phải phát triển bền vững vì vốn hệ thống đào tạo cũng như các giải đấu chuyên nghiệp còn nghèo nàn, dẫn tới việc cung cấp cầu thủ tiềm năng cho các đội tuyển quốc gia còn hạn chế.
HLV đội tuyển quốc gia không phải người xây dựng nền tảng bóng đá cho một đất nước mà chỉ là người "lựa cơm gắp mắm". Thực tế, vấn đề thành tích và sự phát triển của một nền bóng đá vẫn luôn song hành với nhau mà thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.