Việt Nam là đội bóng chịu nhiều phạt đền nhất trong số 12 đội tuyển còn lại ở Vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á. Trong đó, ba lần diễn ra ở vòng loại thứ hai trước Thái Lan, Malaysia, UAE và hai lần trong trận Saudi Arabia ở vòng loại thứ ba. Lý giải nguyên nhân của những thống kê này, độc giả PSG nêu quan điểm:
Theo tôi, lý do chính ở đây là vấn đề chiến thuật "phòng thủ phản công" của đội tuyển Việt Nam. Đây bài tủ của bóng đá Việt dưới thời HLV Park mỗi khi đá với đội mạnh hơn. Thực tế, lối chơi này rất hợp lý và khoa học với thể hình, thể lực của cầu thủ Việt thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hệ quả không mong muốn là một khi đã lùi sâu phòng thủ với số đông, cộng thêm việc đeo bám sát đối thủ ở phạm vi trước và trong vùng cấm, tất nhiên sẽ không tránh được những tình huống phạm lỗi dẫn đến phạt đền.
Vậy làm sao để Việt Nam có thể cải thiện được lối đá, trở nên thanh thoát hơn, có thể lấy tấn công làm phòng thủ? Muốn vậy, chúng ta phải thay đổi từ cái gốc rễ của vấn đề, nghĩa là thể hình, thể lực của cầu thủ phải được nâng cao hơn nữa, đồng thời triết lý giáo dục, huấn luyện cũng phải được học tập theo các nước như Brazil, Argentina, Italy, hay như chính các đội bóng châu Á khác.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức V-League, sự điều hành của đội ngũ trọng tài, hoạt động của ban huấn luyện các CLB cũng đòi hỏi phải thật bài bản, khoa học, nói "không" với lối đá "chém đinh chặt sắt", triệt hạ lẫn nhau trên sân... Đây vốn đã trở thành vấn nạn nhức nhối trên khắp các sân cỏ Việt từ trước tới nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
>> 'Việt Nam phòng ngự co cụm là sai lầm'
Tôi thấy có nhiều ý kiến đổ thừa cho sai lầm của Ban huấn luyện đội tuyển khiến Việt Nam phải nhận nhiều tình huống phạt đền và những trận thua trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, họ lại không nhìn vào cái gốc rễ, nguyên nhân sâu xa của vấn đề mà bóng đá Việt cần phải thay đổi. V-League phải là cái nôi sinh ra những cầu thủ có cả tài lẫn đức. Muốn vậy, chúng ta cần có hội đủ rất nhiều yếu tố cộng hưởng, như đã nói ở trên. Khi đó, ra biển lớn, chúng ta mới tránh được những quả penalty và thẻ phạt tai hại như những trận đấu vừa qua.
Xem lại những trận đấu đã qua, có thể thấy, các cầu thủ của chúng ta gần như không thể lên bóng được, để đội bạn kiểm soát bóng đến 80%. Trong khi đó, chúng ta cũng chuyền hỏng rất nhiều mỗi khi bị đội bạn áp sát, sử dụng lối đá đan bóng ngắn, dài linh hoạt. Vì thế, thủ môn, hậu vệ Việt Nam vô cùng vất vả để chống đỡ các pha lên bóng của đối thủ.
Trong khi đó, ở mặt trận tấn công, các tiền vệ trung tâm của ta lại không làm bóng được, cũng không tự tin cầm bóng như các cầu thủ Oman. Điều đó khiến cho tiền đạo cắm như Tiến Linh hoàn toàn bế tắc. Không thể tổ chức tấn công, đương nhiên cầu thủ Việt phải lùi về quá sâu, để đối thủ chiếm lĩnh 2/3 sân đấu, hệ quả là bàn thua đến như một điều tất yếu. Do đó, Việt Nam cần có nhiều cầu thủ thông minh, tự tin cầm bóng trên sân, như Văn Toàn, Công Phượng, Hùng Dũng, Minh Vương... để có thể kết hợp với Quang Hải, Hoàng Đức...
>> 'Phòng ngự là chìa khóa thành công của Việt Nam'
Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng Việt Nam là đội yếu nhất bảng. Với các đối thủ cùng bảng đấu, giải pháp duy nhất cho tất cả các trận đấu của chúng ta có lẽ sẽ chỉ là phòng ngự - phản công. Việc phải đối đầu với các đối thủ quá mạnh khiến Việt Nam khó lòng đua sức suốt 90 phút. Do đó, chúng ta cần phải thi đấu thông minh, đọc tình huống, quan sát, hiểu ý nhau, để phản ứng nhanh, làm thay đổi thế trận. Hiệp hai trận đấu với UAE ở Vòng loại thứ hai với sự góp mặt của Minh Vương chính là minh chứng cho điều đó.
Dù sao cầu thủ Việt cũng vốn có tố chất thông minh, và điểm mạnh là kỹ thuật cá nhân rất tốt, đồng đều, hiểu ý nhau trên sân... Các yếu tố công hưởng đó sẽ hạn chế sức tấn công của các đối thủ mạnh, hạn chế bàn thua cho chúng ta. Mấu chốt là hàng thủ Việt Nam không được phép lùi quá sâu, không phòng thủ dày đặc, co cụm vì rất dễ dính thẻ phạt, hoặc mắc sai lầm cá nhân. Thay vào đó, mỗi khi có bóng, chúng ta cần mạnh dạn phất bóng phản công đáp trả. Mất bóng thì về phòng thủ, có bóng lại lên tấn công, đó mới là chiến thuật đúng đắn nhất.
Dẫu sao, qua từng trận đấu, dù thua nhưng tôi vẫn nhận thấy những tiến bộ từng ngày của đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt là khi chúng ta vẫn đang phải thi đấu với một hàng thủ chắp vá. Đâu đó, tôi vẫn thấy thấp thoáng lối đá phản công rất hiểm hóc, và phòng thủ ngày càng có kỷ luật, khiến đối thủ phải nhìn Việt Nam với ánh mắt thận trọng hơn sau mỗi trận đấu. Vấn đề là thầy trò HLV Park cần phải phát huy tối đa điểm mạnh đó để hạn chế những sai lầm.
PSG
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.