Đánh giá về quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là trong một năm trở lại đây, độc giả Tin Tin bày tỏ lo lắng về chất lượng thế hệ cầu thủ trẻ kế cận:
"Bóng đá Việt Nam đang tiến hóa ngược. Nhìn lứa U22 mới được triệu tập, tôi thấy ngao ngán. Xem video họ tập lóng ngóng, vụng về mới hiểu cho HLV Park và các trợ lý đang khó khăn như thế nào? Thêm vào đó, tôi có cảm giác lứa U22 này giống như lứa Văn Sỹ Hùng, Hồng Sơn, Minh Hiếu năm xưa khi thể trạng quá bé nhỏ, không khác gì một đội U15. Các em có thể hình quá nhỏ và mỏng người, khác xa lứa U23 ở Thường Châu năm xưa.
Nhấn mạnh việc bóng đá Việt đang thiếu định hướng lâu dài khi nhập nhằng thành tích giữa các lứa trẻ và đội tuyển Quốc gia, bạn đọc SellMe bày tỏ quan điểm:
"Bóng đá Việt Nam cần đặt mục tiêu vươn tầm để cạnh tranh trong khu vực châu Á và xa hơn là để hy vọng vào Vòng loại World Cup. Muốn vậy, chúng ta phải phân biệt rõ ràng tuyển Quốc gia và các cấp độ trẻ (U23, U20, U18...) để tập trung phát triển và lựa chọn hướng đi hợp lý. Còn nếu vẫn khư khư coi trọng chiếc Huy chương Vàng ở SEA Games với các đội tuyển trẻ (U22, U23), thì tập trung vào các lứa trẻ đó.
Tôi không hâm mộ ông Park. Nhưng việc để một HLV Quốc gia kiêm luôn đội trẻ là rườm rà và không hợp lý. Ngoài khu vực ĐNA, chắc không có một Liên đoàn bóng đá nào thuê HLV kiêm nhiệm như vậy cả. Năm nay cầm U22 đá SEA Games, năm sau lại cầm tuyển Quốc gia đi đá AFF Cup, đá giải châu Á. Nếu một trong hai đội gây thất vọng sẽ ảnh hưởng luôn đến công việc huấn luyện, ảnh hưởng luôn niềm tin NHM giành cho ban huấn luyện và đội tuyển.
Dù sao, đích đến cuối cùng vẫn là đội tuyển Quốc gia. Các đội U17, U18, U20, U22 chỉ là nơi ươm mầm, phát triển và tích lũy tài năng cho cầu thủ. Sức mạnh của các đội trẻ là tiền đề cho sự bổ sung và tiếp nối sức mạnh cho đội tuyển Quốc gia. Thành công ở các đội trẻ, thẳng thắn mà nói, không có nhiều ý nghĩa ở đội tuyển Quốc gia cả".
Đồng quan điểm độc giả Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu với bóng đá Việt là thành tích của đội tuyển Quốc gia chứ không phải những chiếc huy chương giải trẻ:
"Ở các nền bóng đá phát triển trên thế giới, họ chỉ coi các lứa U là bàn đạp, là sân chơi để các cầu thủ trẻ thể hiện hết mình, là cầu nối giúp họ có thể lọt vào mắt xanh của HLV trưởng ĐTQG. Không thể đánh giá một nền bóng đá yếu hay mạnh chỉ dựa vào kết quả của một giải trẻ, bởi ĐTQG mới là bộ mặt của cả nền bóng đá. Thông thường, mỗi một lứa U đóng góp được 1-2 tuyển thủ quốc gia đã là ổn, lứa nào hay sẽ góp mặt 5-6 người, thậm chí có nhiều lứa U mà không một ai được gọi lên tuyển.
Tuyển thủ quốc gia là tập hợp của nhiều cầu thủ thuộc các lứa U khác nhau, không chỉ giới hạn ở một lứa. Ngoài ra, còn có các cầu thủ không nổi bật ở lứa U, nhưng khi thi đấu chuyên nghiệp, họ tiến bộ rất nhanh, trở thành trụ cột của các CLB và cũng xứng đáng lên tuyển. Mỗi một lứa cầu thủ sẽ có một đặc trưng khác nhau, không phải lứa nào được đào tạo ra cũng có những cầu thủ phù hợp với triết lý của HLV, càng không phải cứ đá cho lứa U tốt là sẽ có sẵn một suất ở CLB".
>> Tìm Công Phượng mới cho bóng đá Việt
Lấy ví dụ từ chính cách làm bóng đá trẻ của đối thủ số một trong khu vực - Thái Lan, bạn đọc Nguyen long nhận định đây sẽ là thời điểm đánh giá chính xác nhất năng lực của HLV Park:
"Đặc điểm của lứa U là như vậy, lứa hay, lứa dở là điều bình thường, chúng ta phải chấp nhận. Giống như Thái Lan, lứa U23 của Samphaodi năm 2018 rất dở, bị loại từ vòng bảng U23 châu Á lẫn Asiad, thua cả Bangladesh. Nhưng đến lứa U23 năm 2020 của họ lại khá tốt khi kết hợp những cựu binh từ 2013, 2014 như Chanathip, Bunmathan, Dangda. Cấp độ ĐTQG Thái Lan có thể nói vẫn đá trên cơ Việt Nam.
Ngay cả Malaysia năm 2018 vào Tứ kết U23 châu Á, nhưng đến lứa U23 năm 2020 lại bị loại từ Vòng bảng SEA Games. Còn U23 Hàn Quốc hay U23 Saudi Arabia năm 2018 chơi dở (Saudi Arabia thua cả Malaysia ở giải U23 2018) nhưng đến lứa năm 2020, họ vào tới Chung kết U23 châu Á. Ông Park đã may mắn tiếp quản U23 Việt Nam khi có lứa cầu thủ tốt sẵn, bây giờ gặp lứa không tốt bằng, sẽ là lúc chứng minh năng lực của HLV này".
Khẳng định tầm quan trọng của việc cần phát triển bóng đá trẻ có hệ thống ở Việt Nam, độc giả Bá Đạo Nhân đề xuất:
"Tôi luôn mong ước VFF và VPF tìm cách tổ chức được thêm hệ thống Young League dành cho ít nhất là hai lứa tuổi U20 và U17. Có thể tổ chức giải đấu thành ba khu vực để hạn chế các đội phải di chuyển quá xa và tốn kém khi phải đá lượt đi, lượt về như V-League. Sau đó chọn ra bốn đội mạnh nhất (ba đội Nhất, một đội Nhì có thành tích tốt nhất) vào đá Vòng Chung kết. Sân đấu, Ban tổ chức, đội ngũ trọng tài cũng được phát triển lên theo từng cấp.
Về tài chính, các CLB nên cổ phần hóa một phần hoặc toàn bộ để chủ động được nguồn tài chính, hơn là phụ thuộc hoàn toàn vào nhà tài trợ hoặc mạnh thường quân. Nếu có dự án khả thi và định hướng rõ ràng, tôi nghĩ nhiều người, nhiều tổ chức sẽ sẵn sàng tham gia để phát triển bóng đá Việt Nam có chiều sâu".
>> Chia sẻ quan điểm của bạn về định hướng phát triển của bóng đá Việt Nam tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.